Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

ĐÁM CƯỚI THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN - NGUYỄN MIÊN THẢO

Đám cưới Thi sĩ
NGUYỄN ĐỨC SƠN

Tình cờ tôi gặp nhà sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Bông Giấy ,vui miệng tôi bảo với sư thời trẻ tôi có thời gian sống vơi bố Nguyễn Đức Sơn hơn 1 năm ở chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một-Bình Dương. Sư Vân nghe vậy chuyễn ngay cách xưng hô gọi tôi bằng chú và tôi vẫn gọi sư Vân bằng Thầy. Tôi kể cho Sư Vân nghe một số câu chuyện về bố anh thời trẻ, là những giai thoại có thật, trong đó có chuyện Đám cưới của bố mẹ anh: Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và chị Nguyễn thị Phượng.

Nguyễn Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là …khó tính.Tính cách của ông khác người, luôn mâu thuẫn với chính mình.Tôi nghĩ sự ” va chạm “ nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt; rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng”, sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng Nguyễn Đức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ: Sau khi tập thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau : Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư, không giận, lại viết thêm một bài ca ngợi N Đ Sơn là thiên tài, mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết N Đ Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải vì được khen mà vì có cớ để chửi người khác.
Tôi kém N Đ Sơn 9 tuổi mà tính theo tuổi mụ năm nay tôi đã 64, quĩ thời gian sắp hết nên nảy ra ý định viết một số giai thoại độc đáo về N Đ Sơn mà tôi từng biết, có gì sai Sơn còn có thể bổ sung đính chính và còn kịp thời gian để …chửi. Nguyễn Đức Vân cũng khuyến khích :”Chú viết đi”

Tôi vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên năm 1960, thuê một phòng trọ ở khu Nguyễn Thông nối dài gần ga xe lửa. Một hôm vào khoảng 9 giờ sáng, một người đàn ông khoảng 30, áo quần chỉnh tề, thắt cà vạt, tay ôm một chồng sách trên 20 cuốn đến gõ cửa phòng tìm tôi (sau này tôi mới biết khi nào đi đâu N Đ Sơn cũng thắt cà vạt vì trốn lính). Anh giới thiệu là Nguyễn Đức Sơn và hỏi tôi có phải là Tụng không (Tụng là tên tục của tôi mà chỉ những người thân mới biết), thì ra do Thái Ngọc San giới thiệu. N Đ Sơn hỏi sơ tình hình ăn ở của tôi và bảo: Cậu cầm mấy cuốn sách đem bán ăn cơm tạm, ít hôm nữa moa lên đón cậu về Bình Dương. Một tuần sau anh lên đón tôi thật. Thực ra tôi biết N Đ Sơn từ trước, chỉ là chưa gặp mặt.Tôi biết anh khi tờ MẶT ĐẤT do anh chủ trương ra đời và tôi có gửi thơ nhưng chưa được đăng. Nguyễn Đức Sơn sinh sống bằng nghề dạy Anh văn, đời sống rất đạm bạc bây giờ lại thêm một miệng ăn quả là vất vả. Nhà N Đ Sơn khá rộng, không phên vách, bốn bề lộng gió, nằm trên đường Thích Quảng Đức, cách chùa Tây Tạng khoảng 300 mét. Ngôi nhà vừa là phòng học, thư viện vừa là nơi ăn ở. Học trò học với Sơn khá đông, nhưng cuối khoá học chỉ còn vài ba em nên cả hai thường đói. Chỉ cần không trả lời đúng câu hỏi hoặc làm sai bài tập là bị đuổi và đặc biệt học sinh bị đuổi được …trả lui tiền học phí đã đóng trước đó. Thế mà khoá nào học trò cũng đăng ký học rất đông. Cơm chùa thì không thiếu, cửa chùa thì rộng mở nhưng N Đ Sơn cấm tiệt không ăn cơm chùa vì đang thời gian “tìm hiểu “ cô Phượng, cháu của Hoà thượng Thích Trì Bổn. Và thế là chúng tôi trở thành những kẻ ăn trộm bất đắc dĩ và bảo đảm không bao giờ bị bắt. Ngày nào hết gạo mà hết gạo hầu như thường xuyên, Sơn rủ tôi đi dạo vườn chùa, muc đích là xem vị trí của những quả bí đao, bí ngô để chờ tối rình mò đi làm đạo chích.Thực ra hái đôi ba trái ban ngày ban mặt chẳng ai nói gì nhưng Sơn thích vậy. Bí đao hoặc bí ngô cứ rửa sạch, gọt vỏ và nấu nhừ, bỏ một chút muối và xúc ăn bằng bánh tráng. Những hôm có chút tiền Sơn đi chợ và làm đôi món ăn rất ngon, phổ biến là món xúp xương heo hầm cà rốt, khoai tây.
Cuộc tình của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967, 1968 gì đó (tôi không nhớ chính xác), N Đ Sơn nhờ tôi lên báo với Thầy Thích Thanh Tuệ in gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mươi ngày sau, đám cưới Nguyễn Đức Sơn –Nguyễn thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương.
Từ sáng sớm, môt chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ com lê màu sẫm sang trọng, đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống, đó là Đại đức Thích Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An Tiêm; Giáo sư, nhà văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp ,N Đ Sơn chào đoàn nhà trai một câu chửi: “ Đ. mẹ…mẹ thầy, thầy có biết ngày này là ngày ngày trọng đại của tôi không? “Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người đã biết N Đ Sơn là ai.
Đám cưới cử hành tại Đại điện chùa Tây Tạng,Thượng Toạ Thích Trì Bổn, trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ ở với cậu từ nhỏ), Đại đức Thích Thanh Tuệ, đại diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật,Thượng toạ Thích Trì Bổn và Đại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau, Sơn dùng miệng mum hết chân nhang, khi cắm nhang vào lư, ba cây nhang của Sơn lùn tịt, không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên, Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không đoán ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ, mặt bàn rời đặt trên cái giá 4 chân hình chữ x, Sơn và Phượng quì trươc bàn cáo tổ tiên, lạy bốn lạy, Sơn lạy thêm một lạy, trồi người tới trước, khi đứng dậy, đầu đội vào cạnh bàn, cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười, trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới, tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách, Tôi kêu lên: Sơn, làm gì vậy? Sơn vứt dao, choàng vai tôi bước ra ngoài: moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!
Từ dạo đó tôi không còn gặp Nguyễn Đức Sơn cho đến những ngày đầu tháng năm 1975, tôi gặp lại Sơn trong một ngôi chùa ở Gia Định .
Saigon 2009
NMT

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét