Thứ Tư, 21 tháng 3, 2012

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

               NEM LỤI
 

Buổi chiều bên góc phố Mai Thúc Loan - Huỳnh Thúc Kháng ngày nào gánh nem lụi cũng đều đặn với hai vợ chồng già hơ nồng trên trách lửa những  gắp nem hồng khói bốc lên mùi thơm đặt trưng của nem nướng Huế.
                   O đàn bà vừa nướng nem vừa nhẩm tinh thời gian được thừa kể gánh nem nướng từ thế hệ trước truyền lại, và o nói trong niềm hảnh diện pha chút bùi ngùi, hơn năm mươi năm thả mùi thơm dậy mỡ ở những dãy phố thân thuộc. Năm mươi năm tảo tần đời người, hai vợ chồng vẫn quấn quýt nương tựa nhau cùng gánh hàng nem nướng, nước lèo gia truyền hòa quyện với những lát vã vàng mơ, những lá rau sống xanh ngót bên dĩa ớt tươi đỏ thắm cùng với những múi tỏi trắng ngần lột sẳn. Gánh hàng rong luôn là nỗi nhớ của thị dân ở phố mỗi lúc chiều về.
                   Cuốn với miếng bánh tráng mõng một lát vã, vài ba cọng rau xanh kẹp khúc nem nướng đang tỏa mùi rất lừng, chấm vào chén nước lèo và đưa cuốn bánh lên miệng. Chao ơi là …nước miếng tứa ra làm mềm lớp bánh tráng, thế là tất cả các hương vị phủ qua từng kẻ răng, thêm một múi tỏi, cắn một miếng ớt cay, tuyệt vời văn hóa ẩm thực dân dã pha chút phủ đệ bên dòng Hương xanh màu mắt con gái đương xuân.
                    Chiều ngồi bên lề đường me bay nhìn qua cửa Hiển Nhơn ngóng một dáng kiều Tôn nữ, chỉ còn ánh sáng mặt trời chiếu ngời con đường vẫn xưa như thời đi học.
                    Thời gian đang qua mau!
  

HUẾ TÔI ƠI - HƯƠNG NỞ TRÊN NGÀN (KINH TÂM)

 
Nhìn lại Huế. Trong tôi, Huế càng lúc hiền đẹp nhiều lắm. Không chỉ có Huế thơ mộng. Với Huế một dáng điệu hồn nhiên, thanh thản; mà có ai đã từng nói với Huế rằng: Huế ơi, sao lòng Huế quyến rũ quá đi thôi.
Tôi đứng không xa mấy với người đó, nhưng hình như câu nói ấy thật gần gũi xiết bao. Cứ những lúc xa Huế, âm hưởng Huế đã đi sâu vào hạt đậu tâm hồn và cứ mỗi dịp chào Huế ra đi, trong tôi lại mang Huế theo cùng.
Nói với quê hương. Tôi nhớ Huế quá chừng, đến nỗi mỗi lần dở trang thơ của chị Hỷ Khương, lòng tôi man mác một nỗi niềm bâng quơ. Sực nhớ bếp khói, lùi củ khoai, mùa bắp vẫy cờ, thì Huế lại càng chín thơm. Có những lúc thương Huế, không biết làm chi, ra đường phố ngó về buổi tan trường, để lén nhìn chiếc nón lá mười bảy vành, dải nón màu quai sẫm từ nơi chú tiểu ngây ngô đi học về. Nhìn chú mà tôi thầm nói với quê hương: “Huế mần răng để trở lại một thời như cái nét đơn điệu của chú điệu dễ mến vừa rồi” hít hà... chà! Chà.
Tôi đã dừng lại ngắm Huế trong khoảng chốc lát, lại đi về thôn cũ. Nơi đó đã ôm tôi vào lòng, thuở còn thơ và hơi ấm sưởi lạnh, cái giá rét mùa đông ở Huế. Nhưng lòng người, tình người vẫn thắm thiết làm sao.

Huế xưa nay. Huế của khúc ruột nước non, mang nặng đôi dòng thần kinh cổ kính. Bỗng thoáng nhẹ nghe như làn hương Huệ sực nức giữa buổi trưa nắng chói. Dường như có ai đó cũng đã “ôm Huế vào lòng” từ lâu rồi.
Huế nay, không tráng lệ, không ngồi trên lưng ngựa, dẫm bờ cỏ non, chẳng hoang dã như thời vua chúa cung đình. Nhưng Huế hôm nay chỉ ướp lại chung trà nóng, đãi khách dân quê, người xứ lạ, quây quần bên cửa thành phố cổ. Ngồi xuống, cùng uống chén trà thơm, nói lên nguồn thơ cho Huế trở về sẻ chia đôi điều thầm lặng.
Mỗi khi nói về thăm Huế, những giọt nước mắt ngọt ngào cứ âm thầm đổ ào ạt về với sông Hương, bên bờ thôn Vỹ, mảnh đất Cồn. Tưởng chừng Huế rất khô, nhưng đâu ngờ “dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” đã gợi cho tôi một tâm cảm yêu Huế sâu lắng, với nỗi nhọc nhằn của bà mẹ thôn Dã viên năm xưa.
 Những tiết tấu độc thoại, đêm hoa đăng trên sông Hương của Huế, xưa nay vẫn mãi in đậm dấu thời gian ở trong từng hơi thở, kẻ tóc điểm vào trái tim biết mấy người con xứ Huế, thầm gọi hai tiếng “người thương”.
Tôi đã lớn lên nhờ lời ru êm ả của mẹ và ánh đèn dầu loe loét bên kia nhà hàng xóm. Bao năm ấp ủ, ôm cho tôi vào lòng, thế nhưng nhịp tiền Huế xưa nay vẫn đậm chữ tình. Có buổi chiều bất chợt nhìn lại cuộc đời còn vỏn vẹn đôi bên như dòng nước sông Hương êm đềm phẳng lặng không một lời thì thầm.

Về với Huế. Một buổi chiều trên sông Hương, là cả cuộc đời tri kỷ với Huế. Khi hoàng hôn ngự xuống bên Hoàng đài Tử cấm thành, Phu Văn Lâu, thì nét chân tình của Huế lộ rõ ra trước con mắt người quân tử, với bao khung cảnh buổi chiều, hương trầm thơm ngát, quyện vào lòng Huế chút hương thơ nhè nhẹ. Cho Huế trở nên mộng mơ thêm mỹ lệ trong đời.
Khoảng chiều về, lắng nghe bên thềm nước Hương Giang, đâu đó có tiếng kinh cầu vọng lại với âm vang của một buổi chiều qua không hay, “nghe mê kinh trọn kiếp, ngộ chỉ một sát na”.
 
Hẳn nhiên đối với Huế, tiếng kinh nguyện cầu, tiếng chuông chùa thoáng đưa như nói lên cả một cõi lòng rộng mở, cứ nhịp nhàng vang dội trầm nhẹ và thả xuống dòng nước ngàn năm chảy mãi, như một nhịp mạch sống còn. Huế nhẹ yên nhưng sâu lắng để cho đời vơi bớt nỗi sầu thương. Phút giây cho Huế là một chuỗi thời gian còn rót lại trong túi áo.
Trở về nhìn lại Huế cho riêng mình mỗi ngày thêm tươi sáng, hãy ngồi lại để cúi xuống nhìn thấy đôi mắt long lanh của bé thơ bến đò và tất cả những nụ cười mát dịu ấy.
Sống cho trọn vẹn với cái ngày, như mẹ đi chợ chiều về, thật bình an, thật hiền hoà nhẹ nhàng. Với tôi khoảnh khắc như muốn uống Huế vào tim, rồi xin giã từ “một chuyến đi về”
Gọi Huế. Khi hoàng hôn vừa mới vụt tắt, Cố Đô chìm sâu trong sự lặng im, ánh đèn nhô lên, thoáng qua bị tắt ngấm. Tiếng gió thổi dội vun vút, lay động giàn bông thiên lý tuyệt đẹp. Bông mới xoè cánh cũng buông mình theo gió.
 Dòng nước sông Hương thở dài, người người đi trong bóng đêm, bất chợt giá buốt đêm về, tiếng gào thét của núi Ngự, sông Bồ, biển cửa Thuận, vùng Duyên Hải, lao xao nỗi buồn da diết thê lương, trở mình cúi xuống cõi lòng, đời người thắt lại, tạo thành dòng chảy xiết, một buổi sáng thức dậy, Huế thấp thoáng đi xa...
Chiều hôm nay, tôi đứng trên đồi vực thẳm và đã gọi tên Huế muôn triệu lần, ngay ở giữa nhịp đập con tim, cứ đau nhói, có ai bần thần xót dạ khi nghe Huế vỡ bờ.
Trái tim nhỏ xíu, nó được chia cắt từng mảnh, mỗi giờ, tin đồn nước sông thượng nguồn đổ về, nước biển tràn chảy vào khúc ruột của tâm linh.
 
Xa xa còn mấy bụi trúc trơ trọi, thân rễ ngã nghiêng, lá đi đường lá, cát bụi thì mặc kệ chỉ có cái thân tre èo ọp sống thoát nhưng cũng đã bị mắc kẹt mấy hôm qua bên mương nước chảy rỉ rã, ngấm sâu vào đất mẹ.
Ngoài trời mưa tuôn ào ạt như tháp bút, các con đường trơn láng, cánh đồng lúa thơm, mơn mởn luống rau khoai, đậu bắp trổ cờ. Bây giờ nó đã đi vào huyền thoại, pha lẫn mớ bùn non. Nước từ mọi nhà, những đường xá và những am lá đua nhau ra nguồn, ra trận, ra đi không ngày trở về.
Các công trình xây dựng cho tương lai, vô tình ngừng hoạt động, sống một mình trong gió táp, mưa sa, đất sạc lở. “Những kẻ vô tri, đâu dại khờ”.
 Buồn vui đâu mấy chốc, lại đi về trong cõi mộng, trong giọt ‘Mắt Lệ Hai Ngàn, thiên niên kỷ mới’. Tôi đang nắm chặt lấy Huế nơi bàn tay, nơi hơi thở đi vào và đi ra.
Tôi chỉ còn Huế, vì tôi biết Huế là một giàn cây bông thiên lý, tình người muôn thuở.
Nơi ấy, một phương trời, rộng mở bao la, tôi hy vọng sẽ tìm lại Huế trong giây phút bình yên.
 Ngủ bên Huế. Thấm thoát, thế là những mùa Xuân đã đi qua, không để lại dấu vết. Thế nhưng, mùa Xuân vẫn là Xuân bất tận, Xuân vô thời gian và Xuân không biên giới. Hình như mùa Xuân nào, đến rồi cũng đi thong dong, thật mong manh vô thường.
Xuân, hồi nào đây đã có lần ngủ quên bên bờ Đại Nội, dọc theo thôn Vĩ Dạ, Huế mãi luôn dịu dàng và đầy thơ mộng.
 Vì đời người là cả mùa Xuân vô tận, ngự trị với dòng thời gian, biến chuyển đổi thay, có hay hơi ấm của hương Xuân đi vào giấc ngủ tâm can và từng chiếc bóng lẻ loi, từng giọng điệu hát ru, kể cả mọi con sâu, con kiến, dế, trùng, v.v...đều trở về bên sự sống yêu thương.
 Mỗi cái nhìn hiểu biết, cảm thông là điều muốn nói cho hôm nay, chút ân tình, chút trà thảo mộc, pha lẫn nụ cười, là tất cả để sống cho trọn cuộc đời còn ngắn hạn dưới đám cỏ cháy của mùa hè xứ Huế. Đưa mùa Xuân quay lại một thời để nhớ, lại quên trong dĩ vãng.
Có thể thế đó nhưng chẳng tại sao?... Ngày tháng thoi đưa như quên lãng, mong đi tìm lại mùa Xuân bên nắng hồng, bên tuổi thơ, bên cánh diều đồng nội, bên đàn trâu đang gặm cỏ hay trong những bước chân nhẹ nhàng thanh thản, vô tư, vô tác...
Thầm lặng cảm ơn Huế, tôi như hạt nước nhỏ giữa dòng Hương để buổi chiều lấp lánh ánh thiên thần hiện hữu.
“Tôi không ngủ mơ đâu
Ngày hôm qua đẹp lắm thật mà”
Từ bên kia thế giới đã bắc nhịp chiếc cầu đi tới bên dòng đời thực tại; dường như hơi thở ấy, giấc mơ ấy đủ để gói trọn cả một mùa Xuân miên viễn vô khứ, vô lai...để cho ta nhớ mãi.

 Đi tìm Huế, trở về Huế, sau thời gian đi xa. Con đường miền Nam đã theo cùng tôi khắp mọi nẻo, con đường phảng phất chút bụi hồng; hướng đi cho cuộc sống mới, chính điều ấy, phải làm cho tôi tìm Huế giữa sa mạc muôn trùng, nhưng giọt nước, từ hạt cát vẫn còn sự sống có mặt đó cho tôi.
Tiếng chuông thanh thoát của chú Tiểu vừa mới dụi con mắt đỏ kè, được gióng lên từng hồi chuông tỉnh thức, cho cuộc đời dậy hát ca.Tiếng gọi cho tôi trở về lại với quê hương, về với buổi nắng sớm, khi sương mai vẫn còn đọng long lanh trên màn chiếc lá.
Bóng dáng chùa xưa năm nào tuổi thơ, bọn chúng tớ leo rào hái vả non, lắng nghe đồng ca “về đây dây thân ái, nối lại vòng tròn, ta bên nhau, tình bạn ta ơi! Mãi sống chung bền lâu”...
Những phút giây, đượm màu ngọt ngào cho thời gian, về dưới đêm trăng thanh tịnh, ta cùng tìm Huế.
Sau Tịnh tâm, là cả cuộc đời của mùa Xuân, nở rộ hoa mai. Hãy bên nhau, hãy hoà nhịp vào nguồn sống tình lam, cho sen trắng ngát thơm muôn trời, đi với thời gian, vượt ra ngàn biển khơi.
 Cùng lội xuống đại dương mênh mông, chở Huế, cỏng Huế, và đưa Huế vào trái tim biết lắng nghe, biết hiểu thấu như một tiếng chuông điểm nhẹ vào cõi mây không.
 
(Kinh Tâm )

Thứ Năm, 15 tháng 3, 2012

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

RÉT NÀNG BÂN

                 Như được lập trình cho một phần mềm, cứ qua rằm tháng hai sau một vài ngày hanh nắng xuân mới, cả đất trời chuyển động theo những đợt không khí lạnh Bắc phương tràn về, thế là lại rét nàng Bân ỏn ẻn thức giấc, bầu trời đang tươi rói bỗng mù xẫm hơi sương, theo sau đó là giá lạnh từng cơn dồn dập tràn xuống, phủ lớp dày lớp mỏng vào từng vườn cây đang khoe sắc lộc, đùa cợt chăn chiếu vừa được phơi phóng.
                 Hèn chi nàng Bân đan vội áo ấm cho chinh phu ngoài biên trấn, tình cảnh của nàng làm động lòng văn nhân thi sĩ, trở thành biểu tượng cho một đợt không khí lạnh đã có từ năm nào, và năm nào cũng dậy nỗi lo như rứa. Vì rằng đợt rét trái mùa đã làm cho những lão ông, lão bà rũ áo nhân gian đi vào cõi vĩnh hằng, làm cho nhà ai có người già đều phải cảnh giác quan tâm hơn mọi lúc có gió lạnh mùa đông.
                 Và Huế đang có đợt rét nàng Bân.  

RẤT HUẾ - HUỲNH VĂN DUNG


Giữ chút gì rất Huế đi em

Nét duyên là trời đất giao hòa

Dẫu xa, một mai anh gặp lại

Vẫn được nhìn em say lá hoa


Giữ chút gì rất Huế hiền ngoan

Xin em chớ cắt mái tóc thề

Để cho gió thổi bay suối tóc

Và mùa đông ấm đôi vai gầy


Giữ chút gì rất Huế trang đài

Nón nghiêng, bóng nắng dáng thơ ngây

Gặp anh nón hỡi đừng nghiêng xuống

Cho anh trông mắt ngọc mày ngài


Giữ chút gì rất Huế mặn mà

Dạ thưa, ngọt lịm ai mê say

Em đi gót nhẹ xanh hồn cỏ

Và hơi thở mềm sương khói bay


Giữ chút gì rất Huế đi em

Cánh thơ, áo trắng chấp hai tà

Để vạt lụa bay trên đường chiều

Ngỡ mình lạc chân trong cõi mơ


Dẫu em rất Huế tự bao giờ

Đừng để lòng em như cung điện

Đừng cho anh suốt đời đứng đợi

Trước cấm thành, gọi mãi chẳng ai thưa


HUỲNH VĂN DUNG

Thứ Tư, 14 tháng 3, 2012

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

VÀ GHEN TUÔNG CAY NGHIỆT NHƯ MỘT NẮM MỒ*

                        Một hồi chuông điện thoại, một giọng nói nặng nề trộn lẫn tiếng nất của người phụ nữ. Thoang thoảng có tiếng đàn ông đục ngầu giận dữ. Giọng của kẻ tâm bất tại. Tiếng ngắt mạch trong máy điện thoại nghe rất tức tưởi.
                       Vẫn như những lần nào đó. Gặp và ghen tuông như là một biến thái của nỗi tự ty mặc cảm bản thân, luôn lo âu trước những tiếp xúc ngoại giới của người đàn bà của mình đang ngùn ngụt đốt cháy trái tim. Dập vùi người tình để bày tỏ sự độc tôn chiếm hữu của lãnh chúa. Là chỉ tự hành hạ trái tim yếu đuối của bản thân. Và làm đau lòng người phụ nữ của hắn.Tự cô lập mình và cô lập người mình yêu. 
            Không lẽ đó là cơn khát tự thỏa mãn trước nỗi đau của người khác.
                        Bệnh hoạn!
                        D. anh không phiền chi cả, anh biết tính của L. nhưng tré con quá thì cũng làm người khác không vui.
                        Hôm nay ăn bắp Cồn hến ngon. Đang vào vụ mùa rợp hoa bắp bên dòng Hương. Nhớ thuở nhỏ bơi qua Cồn bẻ trộm bắp nghe chưởi mà vui.
_______
*Cựu ước, thiên Nhã Ca.

MÙA THU ĐI NGANG QUA CÂY PHONG DU – NGUYỄN BẮC SƠN

Khi nhớ mình, ta muốn ghé ta thăm
Ngôi nhà gần ngôi nhà xa vạn dặm
Con đường tình cờ cội nguồn sâu thẳm
Từ sinh cung của bà mẹ mênh mông
Ai xui ngôi nhà em cất bên kia sông
Khiến đời anh cứ mãi qua cầu cứ trèo lên dốc

Bầu trời quá cao phải chăng vì lòng mình quá thấp
Chiều mù sương vì tình yêu mù sương
Ai xui ngôi nhà em cất ở ngã tư đường
Khiến đời anh cứ ngập ngừng ba ngả
Con phố thân quen bất ngờ con phố lạ
Nơi hàng cây rụng tiếng tắc kè kêu
Nơi lầu cao khung cửa sổ đìu hiu
Soi thấp thoáng ngọn đèn hoa thiếu nữ
Những sợi tóc rụng trên chồng sách cũ
Vì thanh xuân theo nước lũ trường giang
Những chuyến xe đò đêm đêm băng ngang
Rớt tiếng động khơi nỗi sầu viễn xứ
Bầy chim én đã bắt đầu tư lự
Ngủ âm thầm trên những đường dây cao
Đi ngang qua, đi ngang qua, đi ngang qua

Đi ngang qua không dừng trong đời nhau
Hẹn gặp nhau ở nhất nguyên thế kỷ.

NGUYỄN BẮC SƠN

Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

NGÀY NÀY MỘT NĂM TRƯỚC

                   Vào lúc 14 giờ 46 phút ngày 11.3.2011
                   Tất cả các phương tiện truyền thông trên thế giới đều đi vào mục thời sự nóng về thảm họa động đất, sóng thần đang tàn phá vùng đông bắc Nhật Bản.
                   Hôm nay một năm sau tai ương, xin được nghiêng mình tưởng niệm nạn nhân đã thiệt mạng và mất tích trong thảm họa.
                   Trong suốt một năm qua, nghị lực chịu đựng và tinh thần kỷ luật phi thường của người dân Nhật đã có rất nhiều báo chí, truyền hình đưa tin trong niềm cảm phục. Họ đã, đang và sẽ hồi sinh từ nỗi tang thương tưởng không còn sức đứng dậy được.
                   “Chúng tôi sẽ kết thúc thảm họa trong thế hệ của mình và sẽ không để con cháu phải gánh công việc này” Lời khẳng định của ông Tatsuya Tamaki, công nhân nhà máy điện hạt nhân của TEPCO nói với Thông tấn Reuters.

CÁC QUY TẮC VIẾT VĂN CỦA J.D SALINGER THỜI TRẺ - HẠ HUYỀN

KHI NỮ SINH SHIRLEY ARDMAN PHỎNG VẤN SALINGER NĂM ÔNG 21 TUỔI, NHÀ VĂN CHƯA THÀNH DANH. PHẢI ĐẾN 10 NĂM SAU, "BẮT TRẺ ĐỒNG XANH" MỚI RA ĐỜI. NHƯNG LÚC ĐÓ, SALINGER ĐÃ RẤT… "SALINGER".


Trong 60 năm sự nghiệp, tác giả ‘Bắt trẻ đồng xanh’ rất ít trả lời phỏng vấn, số lượng đếm trên đầu ngón tay và thậm chí còn chưa được tiết lộ hết.
Trong đó, có một cuộc phỏng vấn vào những năm 1950, gần đây mới công bố. Người viết là một nữ sinh trung học tên là Shirley Ardman, 18 tuổi. Bài viết dài khoảng 1.200 từ. Cuộc phỏng vấn diễn ra trong quán bar của một khách sạn ở New York. Salinger năm đó 21 tuổi, vừa ra mắt truyện ngắn đầu tay.
Shirley mở đầu bài phỏng vấn: “‘Mọi người đều ngu ngốc’, Salinger nói, liếc nhìn những người khách khác trong quán bar. ‘Tất nhiên là họ ngu ngốc’, anh lặp lại. ‘Nếu không họ đã không đọc ngấu nghiến các tạp chí giật gân và hời hợt. Tại sao chứ, những kẻ viết thuê, tác giả các bài viết đó cũng chẳng hề khá hơn những người đọc họ’”.

Cô học sinh 18 tuổi thực hiện cuộc phỏng vấn này do yêu cầu của người thầy ở Đại học Columbia, với đề bài “Phỏng vấn một tác giả có tác phẩm đã xuất bản” để đăng trên tạp chí của trường. Một người bạn của Shirley là Lamont Buchanan, quen biết Salinger, đã giới thiệu nhà văn trẻ chưa thành danh này với cô. Sau này, Shirley đoán rằng Lamont là một trong những nguyên mẫu của nhân vật Holden Caulfield trong Bắt trẻ đồng xanh.
Mới đây, trang The Drum công bố một phần bài phỏng vấn, bài viết đã thể hiện cách nhìn cuộc đời và văn chương của một Salinger trẻ tuổi, với những suy nghĩ chín chắn trước tuổi. Một danh sách ngắn “Các quy tắc viết văn của J.D. Salinger” cũng được lập ra dựa trên những câu trả lời của ông. Các quy tắc vẫn thể hiện tính thời sự khi đăng tải vào thời điểm hiện nay, 72 năm sau khi cuộc phỏng vấn được thực hiện.

Đừng viết lan man
Salinger không thích những tác phẩm dễ đọc nhưng không sâu sắc và không thích các tác phẩm phân chia cảm xúc của con người thành hai màu trắng - đen. Ông cho rằng, nhà văn nên để độc giả tự nghĩ và cảm nhận theo cách của họ.
“Ít nhất tôi cũng để dành lại một chút gì đó để độc giả tưởng tượng. Tôi phân tích mỗi cảm xúc một cách kỹ lưỡng, sau đó diễn tả chúng một cách ngắn gọn nhất có thể. Tôi sẽ cho độc giả một sự chỉ dẫn, sau đó đến lượt họ cảm nhận phần còn lại”.

“Không vào Twitter khi viết”
Tiêu đề nhỏ này do người biên tập bài phỏng vấn của The Drum đặt ra. Trên thực tế, Salinger nói với Shirley Ardman rằng khi viết, ông tuyệt đối không tiếp cận với những gì có thể làm sao lãng bản thân. “Không nhất thiết là phải yên lặng tuyệt đối, thực tế tôi cũng thường bật radio khi viết, nhưng nhất thiết tôi phải ngồi một mình. Không thể có ai đó bên cạnh được, ngay cả trong phòng bên cạnh cũng không được”.

Ý tưởng chỉ là khởi đầu
Nhà văn nói rằng, một tác phẩm được tạo nên không chỉ bởi cảm hứng ban đầu. “Đó là công việc viết lách, cũng như mọi nghề nghiệp khác. Nó không thể được hoàn thành nhờ một ý tưởng kỳ diệu nảy sinh trong đầu bạn, rồi bạn vồ lấy một cây bút hoặc một cái máy chữ và viết hoặc gõ nhanh nhất có thể. Ý tưởng sẽ tới, tất nhiên, nhưng...

... Hiểu rõ tác phẩm của mình từ trong ra ngoài
Điều này có vẻ hiển nhiên, nhưng Salinger nhắc đi nhắc lại về mức độ quan trọng của việc xây dựng nhân vật trước khi bắt đầu câu chuyện. “Tôi phải hiểu thấu nhân vật trước khi đặt bút viết, và biết rằng anh ta sẽ hành động như thế nào trong mọi hoàn cảnh. Khi tôi viết về trận đấu golf của ông Tidwinkle, tôi phải biết ông ta sẽ cư xử ra sao khi say rượu, hay khi dự bữa tiệc độc thân, khi trong bồn tắm hay trên giường. Cách hành xử đó phải rất chân thật và thông thường”.

Làm những gì bạn muốn
“Tôi viết vì tôi muốn, và viết theo cách tôi muốn bởi tôi thích thế”. Nếu bạn không thích việc bạn đang làm, vậy tại sao bạn lại làm?

http://evan.vnexpress.net

Thứ Bảy, 10 tháng 3, 2012

TÀ HUY, BÓNG XẾ TRĂNG LU – VÕ CÔNG LIÊM

mặc cảm thổi phồng lên như căng
cánh buồm trôi ra biển tận
trí tuệ mù mờ
ra khơi
giữa lúc trời chập tối
tôi hốt hoảng tôi
hay
tôi hốt-tất-liệt tôi
thốt
lời bi thiết âm vang
ném hư vô vào hư vô
cảm giác tê cứng đứng đơ ve vãn ngọn gió chướng
mùa đông khóc sụt sùi trí nhớ đi qua vội
cánh cửa khép đôi chân em trong thăm thẳm mắt nâu
nhắm vị mặn vào ngũ giác vô tư em có biết?
tà huy! ôi tà huy bóng xế trăng lu
ta đạp vũng tối giữa lòng đêm mất ngủ
đột qụi mạch máu não bệnh trầm kha không chăn chiếu
phà theo khói phù dung để bay cùng em về cõi mộng
sự thật vỡ lẽ
trên nhung lụa em là những đám sao trời
mà trong ta biền biệt một chân mây
tà huy
là gió thở là trăng vỡ là điạ chấn khóc
có hay mình trần tục giữa ban ngày
lộ
là đường đi mênh mông
đạo
là cửa âm sâu hoáy :
"thiên thủ thiên nhãn vô ngại đại bi trăm đà la ni nam mô
hắc ra đát na dạ ha bà lô kiết đế thước bát ra ma bồ đề giạ bồ đà giạ ...’
...
…"
tồn lưu ơi hởi tồn lưu ta đang sống một thời trăn trối chết
hai đứa mình
đứng với trời say!

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. ngày tốt 2/2012)

Thứ Sáu, 9 tháng 3, 2012

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

KỈ NIỆM CỦA THỜI ÁO TÍM SÂN TRƯỜNG

                Toàn khuông viên trường như hồng hơn, tươi tắn hơn. Và thầy trò cũng mới hơn với những nụ cười hoàng mai.
                95 năm là một đời người mong được, từng thế hệ học trò tiếp bước nhau dưới sự dìu dắt của bao lớp thầy cô, họ đã được nuôi dưỡng, bồi bổ kiến thức để làm hành trang đi vào cuộc sống. Cống hiến và bồi dưỡng các thế hệ kế tiêp. Lửa đã được nhen lên và bừng sáng qua gần một thế kỷ và tuổi trẻ hôm nay tiếp ngọn lửa rực rỡ hơn. Và họ đang làm được.
                Đêm hội tụ nhiều lớp học trò của chuổi thời gian thế kỷ, dưới mái trường thân thương, họ đã quàng tay nhau mừng tủi cuộc đoàn viên. Một học trò 92 tuổi đứng giữa sân trường thủ thỉ chuyện học hành thời xuân non đến chừ vẫn lưu giữ trong trái tim nhịp đập rộn ràng khi bước vào cổng trường hồng áo tím.
                Trường đã bao lần thay tên, đổi màu áo học trò, nhưng tất cả họ tự thành một khối tình đồng môn long lanh săc sáng kim cương. Tình cảm thầy trò đã vượt qua thời gian, lớn hơn trong sân trường phượng đỏ mỗi mùa hạ về.
                Họ đã có cuộc Chia ly và Đoàn tụ.

KIM VÂN KIỀU THƠ NHẠC – QUÁCH VĨNH THIỆN


Trong nỗ lực bảo tồn kho tàng văn hóa Việt Nam,
ông Quách Vĩnh Thiện, một kỹ sư tin học
và cũng là một nhạc sĩ ở Pháp, đã bỏ ra thời gian 5 năm,
để phổ nhạc cho tác phẩm  KIM VÂN KIỀU của văn hào Nguyễn Du.

Radio SBS Australie - Tiếng Việt do Vũ Nhuận

thực hiện ngày

14 Décembre 2010 – Phần 1


21 Décembre 2010 – Phần 2


28 Décembre 2010 – Phần 3






 Tiểu sử NGUYỄN DU

Nguyễn Du, tự Tố Như, hiệu Thanh Hiên, biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ, người làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh. Tố Như tiên sinh ngày3 tháng 1 năm dương lịch 1766,  ngày âm lịch 23 tháng 11 năm  Ất dậu 1765, ở phường Thăng Long, làng Tiên Điền, huyện Nghi Xuân (Nghệ Tình), mất ngày 18 tháng 9 năm 1820 (ngày âm lịch 10 tháng 8 năm Canh Dần 1820 ), nhằm năm Cảnh Hưng thứ 26 triều vua Hiển Tông nhà Hậu Lê, thân phụ tên Nguyễn Nghiễm, ThượngTiên sinh là con trai thứ bảy của Xuân Quận công Nguyễn Nghiễm, đậu Hoàng giáp. Anh con nhà bác của Nguyễn Du là Nguyễn Khản, tác giả truyện Hoa Tiên , cũng đậu tiến sĩ làm quan tới Lại Bộ Thượng Thơ, anh trai thứ hai là Nguyễn Điều đậu Hương cống, làm quan Hiệp trấn đạo Sơn Tây, phong tước Điền nhạc hầu. Gia đình tiên sinh là gia đình khoa bảng, quan tước, với nhiều người là cựu thần nhà Hậu Lê.

Năm 19 tuổi Nguyễn Du đỗ tam trường nhưng gặp lúc loạn ly nên đường công danh của tiên sinh không được trọn vẹn. Năm Bính Ngọ (1786), năm Cảnh Hưng 46, lúc đó tiên sinh được 22 tuổi, Nguyễn Huệ đem quân ra Bắc, mượn tiếng là phù Lê để tiêu diệt chúa Trịnh. Trịnh Khải, vi chúa cuối cùng của phủ chúa Trịnh bị bắt và tự sát, chấm dứt chế độ Chúa Trịnh ở Bắc Hà. Hiển Tông mất, Chiêu Thống nối ngôi. Năm Chiêu Thống nguyên niên (1787), Vũ Văn Nhậm phá quân Nguyễn Hữu Chỉnh, đánh đuổi ra đến Thăng Long, vua Chiêu Thống bèn bỏ Kinh đô, chạy sang Kinh Bắc.  Vũ Văn Nhậm cho tìm vua Chiêu Thống không được bèn tôn Sùng Như ợng Công tên là Lê duy Cẩn lên làm giám quốc để thu phục long người. Năm sau Bắc Bình Vương Nguy ễn Huệ ra Thăng Long, giết chết Vũ Văn Nhậm, đặt lại quan quân, chỉnh đốn mọi việc xong lại về Nam. Vua Chiêu Thống chạy về núi Bảo Lộc, nay ở Hải Dương, mai ở Sơn Nam, cùng với mấy người trung nghĩa lo việc khôi phục. Nguyễn Du không hợp tác với Tây Sơn, tiên sinh cùng một số cựu thần nhà Lê mưu toan khôi phục lại triều đình cũ. Nhưng thế lực mỗi ngày một kém, bề tôi như Đinh Tích Như ỡng thì trỡ mặt làm phản, còn những người khác thì trốn tránh đi hết cả cho nên cơ nghiệp nhà Lê đành đổ nát. Nhà Hậu Lê đến vua Chiêu Thống tức Mân đế thì chấm dứt. Việc khôi phục nhà Lê không thành, Nguyễn Du về quê lánh nạn, lấy sự điền liệp ưu du làm tiêu khiển. Biệt hiệu Hồng Sơn Liệp Hộ do đó mà ra.

Sau khi Gia Long lên ngôi (1802) có chiếu xuống cầu hiền sĩ và cựu thần nhà Lê ra lục dụng. Năm sau, 1803, Nguyễn Du phải đáp ứng lời hiệu triệu của vua Gia Long ra làm quan cho triều Nguyễn. Tiên sinh được bổ làm tri huyện, huyện Phù Dực (Thái Bình) được hơn một năm thì thăng tri phủ, phủ Thường Tín (Hà Đông). Bởi tính tình cương trực, lại ra làm quan cho triều Nguyễn với tính cách miễn cưỡng hơn là quyết tâm phụng sự, nên ít khi chịu lòn cúi, ép mình làm vui lòng kẻ khác nên bị bề trên khiển trách, kẻ dưới dèm pha, khiến không thấy phấn khởi, vui vẻ trong cuộc đời làm bề tôi cho tân triều. Tiên sinh bèn xin từ quan về hưởng thú điền viên. Nhưng vừa về hưu chưa bao lâu thì năm 1806 lại bị triệu về Kinh làm Đông Các Học Sĩ. Năm kỷ tỵ (1809) lại được bổ làm Bố Chánh tỉnh Quảng Bình. Năm quý dậu (1813) Gia Long thứ 13 được cử làm Cần Chính Điện Học Sĩ (trật chánh tam phẩm) và sung Chánh sứ sang triều cống nhà Thanh bên Trung Hoa. Nhân chuyến đi này tiên sinh đã sáng tác Bắc Hành Thi Tập. Đi sứ về tiên sinh được thăng Lễ Bộ Hữu Tham Tri (trật tòng nhị phẩm). Từ đó làm quan ở luôn tại kinh thành. Năm Gia Long thứ 18 (1819) Thế Tổ triều Nguyễn thăng hà, Thánh Tổ (Minh Mạng) tức vị. Năm sau, Minh Mạng nguyên niên (1820), Nguyễn Du lại được sung Chánh sứ sang Trung Hoa lần nữa để cầu phong cho nhà vua mới lên ngôi. Nhưng chưa kịp khởi hành thì tiên sinh bị bệnh và tạ thế ngày mùng mười tháng tám năm này, tức năm Canh Thìn (1820), hưởng thọ 56 tuổi.


Tác Phẩm của Nguyễn Du:

Phần chữ Hán:

Thanh Hiên thi tập gồm những bài làm từ lúc tác giả còn lận đận phong trần cho đến lúc ra làm quan cùng nhà Nguyễn.

Nam Trung tạp ngâm gồm những bài làm trong khoảng tác giả được triệu vào làm quan ở Kinh đô Huế rồi ra làm quan ở Quảng Bình. 

Bắc hành tạp lục gồm những bài làm trong lúc tác giả đi sứ sang Trung Qu ốc. 


Phần chữ Nôm:

Văn Tế Thập Loại Chúng Sinh.

Đoạn Trường Tân Thanh.


“. . .Truyện Kiều vẫn luôn đứng vững ở vị thế số một trong nền văn học Việt Nam. Cho đến hết thập niên đầu của thế kỷ 21, Đoạn Trường Tân Thanh vẫn được xem như một tác phẩm vô tiền tuyệt hậu. Tạo được một tác phẩm như vậy Nguyễn Du quả thật là một thiên tài có một không hai của nền văn chương nước nhà. . . phổ hơn ba ngàn câu thơ lục bát của Nguyễn Du thành 77 bản nhạc, Quách Vĩnh Thiện đã hoàn thành một công trình nghệ thuật thật vĩ đại. Từ trước đến giờ chưa có một nhạc sĩ nào làm được việc đó, và về sau cũng chưa chắc sẽ có người làm nổi việc này”

Nguyễn Thanh Liêm


 

1 - Truyện Kiều : Thơ và Nhạc

Nguyễn Thanh Liêm

2 - Thơ chữ Hán của Nguyễn Du

Quách Tấn

3 - Để giải quyết mâu thuẫn trong

Đoạn Trường Tân Thanh

Trần Thanh Hiệp

4 - Cửa vào Đoạn Trường Tân Thanh
Thanh Tâm Tuyền

5 - Triết lý đoạn trường

Nguyễn Sỹ Tế

6 - Tình quê hương của Thúy Kiều
Doãn Quốc Sỹ

7 - Nguyễn Du và tình yêu
Vũ Khắc Khoan

8 - Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do

Trần Bích Lan

9 - Người thơ thuần tuý Nguyễn Du trong

Văn tế thập loại chúng sinh
Đinh Hùng

10 - Một điểm Phật tính trong Truyện Kiều
Đông Hồ

11 - Nguyễn Du giữa chúng ta

Nguyễn Quốc Trụ

12 - Đọc lại Truyện Kiều để yêu thêm tiếng Việt.

Đàm Trung Pháp

13 - Nguồn gốc Đoạn Trường Tân Thanh.
Dương Anh Sơn

14 - Nguyễn Du và Ðạo Phật

Doãn Quốc Sỹ

15 - Vị trí Truyện Kiều trong văn-học Việt-Nam

Dương Thượng Ngã

16 - Kiến-Trúc Sáng-Tạo của

Thi-Gia Nguyễn-Du

Đàm Quang Hậu

17 - Tiếng Đàn Thúy-Kiều

Phạm Thị Nhung

18 - Giải đáp một số nghi vấn trong Truyện Kiều

qua bản Kiều Nôm cổ của Lâm-Nọa-Phu

Đàm Quang Hưng

19 - Tâm Hồn, Tư Tưởng và Nghệ Thuật

của Nguyễn Du qua Truyện Kiều.
Nguyễn Thị Hoàng

20 - Truyện Kiều Qua Các Khúc Ngâm Trung-Nam-Bắc

Tôn Nữ Lệ Ba

21 - Khóc Tố-Như

Phạm Thị Nhung

22 -Toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du

do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc.


Một công trình vĩ đại một sáng tác chưa từng có.

Lê Mộng Nguyên

23 - Trường Ca Đoạn trường Tân Thanh

Đỗ Bình

24 - Phổ nhạc Truyện Kiều

Nguyễn Văn Huy

25 - Vài lời về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện

Trần Quang Hải

26 - Quách Vĩnh Thiện, Người Mang Hồn Nhạc Vào Truyện Kiều

Cao Minh Hưng

27 - Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện

Trọng Minh

28 - Quách Vĩnh Thiện – Trải qua một cuộc bể dâu
Thanh Vân

29 - Âm nhạc trong Truyện Kiều

Trân Văn Vhê

30 - Sự sáng tạo trong nhạc Kim Vân Kiều

của nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện

Dáng Thơ

31 - Nỗi lòng Nguyễn Du - Nỗi lòng Quách Vĩnh Thiện

Việt Hải



1 - Truyện Kiều – Thơ và Nhạc - Nguyễn Thanh Liêm. (P4)

2 - Thơ Chữ Hán của Nguyễn Du - Quách Tấn. (P9)

3 - Để Giải Quyết Mâu Thuẩn trong Đoạn Trường Tân Thanh - Trần Thanh Hiệp. (P21)

4 - Cửa vào Đoạn Trường Tân Thanh - Thanh Tâm Tuyền. (P31)

5 - Triết Lý Đoạn Trường - Nguyễn Sỹ Tế. (P38)

6 - Tình Quê Hương của Thúy Kiều - Doản Quốc Sỹ. (P45)

7 - Nguyễn Du và Tình Yêu - Vũ Khắc Khoan. (P54)

8 - Nguyễn Du trên những nẻo đường tự do - Trần Bích Lan (P59).

9  - Người thơ thuần túy Nguyễn Du - Đinh Hùng. (P66)

10  - Một điểm Phật tính trong Truyện Kiều - Đông Hồ. (P81)

11  - Nguyễn Du giữa chúng ta - Nguyễn Quốc Trụ. (P88)

12  - Đọc lại Truyện Kiều để yêu thêm tiếng Việt - Đàm Trung Pháp. (P92)

13  - Nguồn Gốc Đoạn Trường Tân Thanh - Dương Minh Sơn. (P100
)
14 - Nguyễn Du và Đạo Phật - Doãn Quốc Sỹ. (P105)

15 - Vị Trí Truyện Kiều Trong Văn Học - Dương Thư ợng Ngã. (P119)

16 - Kiến Trúc Sáng Tạo của Thi Gia Nguyễn Du - Đàm Quang Hậu. (P130)

17 - Tiếng Đàn Thúy Kiều - Phạm Thị Nhung. (P143)

18 - Giải Đáp Một Số Nghi Vấn Trong Truyện Kiều - Đàm Quang Hưng. (P173)

19 - Tâm Hồn, Tư Tưởng và Nghệ Thuật của Nguyễn Du - Nguyễn Thị Hoàng. (P184)

20 - Truyện Kiều qua các khúc ngâm Trung, Nam, Bắc - Tôn N ữ Lệ Ba. (P197)

21 -  Khóc Tố Như - Phạm Thị Nhung. (P205)

22 - Toàn bộ Truyện Kiều của Nguyễn Du do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc
       - Lê M ộng Nguyên. (P220)

23 - Trường Ca Đoạn trường Tân Thanh - Đỗ Bình. (P227)

24 - Phổ nhạc Truyện Kiều - Nguyễn Văn Huy. (P239)

25 - Vài lời về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện - Trần Quang Hải. ( P242)

26 - Quách Vĩnh Thiện, Người Mang Hồn Nhạc Vào Truyện Kiều
       - Cao Minh Hưng. (P244)

27 - Nhạc Sĩ Quách Vĩnh Thiện - Trọng Minh. (P249)

28 - Quách Vĩnh Thiện,  Trải qua một cuộc bể dâu - Thanh Vân. (P261)

29 - Âm nhạc trong Truyện Kiều - Trần Văn Khê. (P277)

30 - Sự sáng tạo trong nhạc Kim Vân Kiều của NS Quách Vĩnh Thiện - Dáng Thơ. (P288)

31 - Nỗi lòng Nguyễn Du,  Nỗi lòng Quách Vĩnh Thiện - Việt Hải. (P291)