Trong một bài hát quen thuộc với mọi người chúng ta, có câu: "Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!". Ðó là lời mở đầu của một ca khúc nói về sinh hoạt của các mục đồng chăn trâu ở thôn quê. Trong Phật giáo, đặc biệt là thiền tông, chư vị Tổ Sư chỉ dạy một phương pháp tu hành gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu".
Pháp môn này áp dụng triệt để lời dạy của Ðức Phật, trong cuộc sống hằng ngày của người Phật Tử, tại gia hay xuất gia. Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử sẽ thấy được con đường vào đạo, tâm sẽ được nhập lưu, tức là nhập vào dòng thánh, khác với dòng đời, tuy thân vẫn sống ở đời, như bao nhiêu người khác, mà tâm không hề khổ đau lụy phiền.
Khi hiểu được và hành được pháp môn này, trí tuệ sáng ra, cuộc đời thay đổi kể từ ngày này, người Phật Tử đối với Chánh Pháp, sẽ không còn thoái chuyển, phát tâm tu dưỡng, phát nguyện chăn trâu, việc ác ngưng làm, quyết làm việc thiện, không còn mặc cảm, tự tôn tự ti, chân trời an lạc và hạnh phúc bắt đầu ló dạng.
_Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử không còn đi vòng vòng bên ngoài, vừa vui chơi thích thú, cười nói hả hê, cũng vừa kêu khổ, kêu khổ chưa xong, cầu nguyện van xin, khấn vái khẩn cầu, vừa mê tín dị đoan, vừa tiền mất tật mang, chẳng lợi ích gì, hết cầu an cầu siêu, đến cầu đoàn tụ, cầu buôn may bán đắt, cầu trúng số độc đắc, thực sự có được gì đâu?
_Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử tại gia không còn thấy chuyện tu tâm dưỡng tánh là chuyện của những người xuất gia vào ở trong chùa, mà tu tâm dưỡng tánh chính là chuyện của mọi người, chuyện của chính mình, chuyện của bất cứ ai muốn giảm bớt khổ đau, muốn xuất phiền não gia, muốn ra khỏi căn nhà lửa, muốn được an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại, trên thế gian này, trong mọi hoàn cảnh, trong cuộc sống hằng ngày.
Con người luôn sống trong mộng tưởng, cho nên luôn luôn mơ ước cảnh giới thiên đàng cực lạc, mà không biết mình đang sống trong hiện tại, không biết mình đang sống một cuộc đời hết sức vô nghĩa, chẳng làm gì ích lợi cho ai, chỉ biết ăn ngủ hưởng thụ, đấu tranh giành giựt, hơn thua phải quấy, rồi chờ ngày chết!Bởi vì sống trong điên đảo, cho nên con người nhận lầm cái giả tưởng là thực, cái khổ lại cho là vui.Chẳng hạn như nhiều người cứ tưởng cái xác thân này là "mình" và sẽ mang cái xác đó lên thiên đàng hưởng phước, hoặc đem cái xác đó lên cực lạc cho sướng tấm thân!
Ðâu chẳng biết rằng, sau khi hết thở, chính cái xác này, gọi là thây ma, ai dám đến gần?
Cát bụi sẽ trở về cát bụi! Chỉ có nghiệp báo thiện ác theo "mình", như hình với bóng, không bao giờ rời, qua bao nhiêu kiếp sau nữa.Còn "mình" thực ra là ai, thì lại chẳng biết! "Con Người Chân Thật" đã bị vô minh che lấp tự lâu lắm rồi, mà chúng ta vẫn không chịu tỉnh thức để nhận ra!
Con người thức tỉnh biết "dừng nghiệp và chuyển nghiệp" thì trí tuệ bừng sáng
Ðiều quan trọng hơn hết trong việc tu tâm dưỡng tánh, chính là chúng ta phải biết cách chăn trâu.
Nghĩa là: chúng ta phải biết cách dừng các vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính là công phu tu tập theo đạo Phật, để cải thiện cuộc đời mình, để chuyển hóa những ưu tư phiền muộn, trở thành vô tư tự tại. Chẳng hạn như khi, tâm tham nổi lên, lợi mình hại người, muốn được bạc triệu, xài chơi cho sướng, nghĩ cách hại người, bất chấp thủ đoạn, chúng ta liền biết, lập tức dừng ngay, không nên tiếp tục, theo đuổi vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm đó vậy, tức là chúng ta, đã dừng được nghiệp, và chuyển được nghiệp.
Khi đó, con người sẽ tự tại bước ra khỏi màn vô minh, thoát ra khỏi sanh tử luân hồi, không còn phiền não và khổ đau, sống trong an lạc và hạnh phúc. Ví như khi nào mây đen tan hết, bầu trời lại trong sáng, mọi cảnh vật hiện rõ ràng trước mắt, nhìn thấy muôn sự mọi việc "đúng như thực", không còn mơ hồ, không còn điên đảo, mình sẽ nhận biết rõ ràng "mình là ai", không còn nghi ngờ gì nữa cả.
Nhưng làm sao để thức tỉnh, làm sao để trí tuệ bừng sáng?
Lúc nào mình làm chủ được con trâu của mình, tức là làm chủ được thân và tâm mình.
"Thấy cũng như không thấy, nghe cũng như không nghe, nói cũng như không nói." Khi tiếp xúc với cảnh trần, nhưng không ý kiến, không lập tri, không khởi tâm phân biệt, tức là không dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, cũng như lúc không tiếp xúc với trần duyên vậy.
Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy:
"Tri kiến lập tri tức vô minh bổn.
Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn".
Nghĩa là khi sống ở đời, chúng ta hiểu biết tất cả mọi việc, nếu dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm thì gặp phiền não khổ đau, đó là gốc của vô minh. Nhưng nếu không dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, thì chúng ta sống được trong cảnh giới niết bàn.
Pháp môn chăn trâu trình bày phương pháp tu tâm dưỡng tánh qua mười giai đoạn
Giai đoạn này là lúc hành giả đã biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Mắt trông thấy sắc rồi thôi, không còn lưu giữ bất cứ hình sắc nào trong kho tàng tâm thức, dù đẹp dù xấu, dù dễ thương dù thấy ghét.
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không, không giận không hờn, không yêu không hận.
Trong lòng, trong tâm thức, không khởi lên bất cứ một niệm nào, khởi lên là liền biết, không theo, niệm đó sẽ lặng đi.
Không theo có nghĩa là: không để cho con trâu dẫn dắt mình đi tạo nghiệp!
Chư Tổ có dạy:
"Nội cần khắc niệm chi công.
Ngoại hoằng bất tranh chi đức".
Nghĩa là: Bên trong khắc chế được tâm niệm lăng xăng lộn xộn, tức là luôn luôn chăn trâu, được gọi là công phu tu tập. Bên ngoài hành trì đức độ của người không tranh cãi. Ðó là những việc phải làm của người chân tu thực học.
Chăn trâu nghĩa là: Không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tánh tham lam, sân hận si mê.
Chăn trâu nghĩa là: Phải biết kềm giữ, xỏ mũi kéo lại, đừng để con trâu, dẫn mình đi đâu, tạo tội tạo nghiệp.
Nghĩa là: con người vì lăn lộn trong cuộc đời, bị vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm lôi cuốn, che lấp bản tâm thanh tịnh, quanh năm suốt tháng cả ngày, quên mất con người chân thật của chính mình .Trong kinh sách gọi là "nghiệp thức che đậy", lúc làm người tốt, khi làm kẻ xấu, sanh tử tử sanh mãi mãi, không biết đến bao giờ mới chịu dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Ðến đây, hành giả nhận ra rằng, hạnh phúc của mọi người trên thế gian cũng là hạnh phúc của mình.
Tâm địa bồ tát, tấm lòng vị tha, vì người quên mình, của hành giả tăng trưởng. Hành giả mang đạo vào đời, làm sáng đẹp cho đời, mà không bị đời làm ô nhiểm.
Hành giả thanh thản, thảnh thơi, thơi thới, nhẹ nhàng bước ra khỏi cảnh trầm luân, sanh tử luân hồi. Ðến đây, hành giả nhận ra rằng:
Hạnh phúc của mọi người trên thế gian cũng là hạnh phúc của mình.
"Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không
Trơ trơ lẵng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân".
"Ðó chính là mục đích, cũng là kết quả của "Pháp Môn Chăn Trâu".
Cư-sĩ Chính-Trực
(Toronto - Canada)