Thị trấn cao nguyên sương mù ấy từng là nơi khơi nguồn cho người làm thơ và thành danh. Hôm nay, khoảng 10 khuôn mặt được gặp lại trong sách “Thơ tình Nam 1975” mạng gio-o.com.
Sau 30 năm tôi trở lại tìm một góc khuất. Ngàn cây kẽ lá, một căn nhà dọc bờ sông lặng lẽ.
Nhiều người nơi đây vẫn nhớ một chuyện không vui về 2 tác giả cùng có mặt trong tập thơ tình yêu mà gio-o.com đang làm. Ngày đó, nhà thơ là giáo sư trường nông lâm súc có lẽ vì mến tài một người làm thơ nên cho y ở nhờ . Kẻ được cưu mang từ khi vào làng văn đã có danh là hay sùi bọt mép sổ toẹt những người làm văn nghệ nổi tiếng. Y tìm mọi cách chinh phục và cưỡng đoạt được người phụ nữ đẹp nhưng yếu lòng là vợ ân nhân mình. Chuyện đổ bể, tan tác. Nhà thơ là người ban ân khi trở về nơi ở cũ phải ngậm ngùi: Nhớ ơi ngọc trắng ngày chưa cát lầm! Còn kẻ bạc nghĩa cũng tự thốt lên là : Ngậm ngùi con thú thương đau…
Rất mừng là người tuyển chọn đã không vô tình chọn đưa vào sách 2 bài thơ này.
Tình yêu của mỗi tác giả trong Thơ tình Nam 75 cho thấy tính khác biệt qua từng giai đoạn thời cuộc. Lớp tuổi của Kiên Giang, Phan Lạc Tuyên, Tô Kiều Ngân…tình yêu đằm thắm gắn với hình ảnh quê hương vừa mới thanh bình. Lớp kế tiếp lại hay “làm duyên” hay dỗi hờn với người yêu :
Có nhành hoa đẹp anh hái cho em-
Em không thèm nhận anh chết cho xem…
( Đỗ Quý Toàn ).
Hoặc:
Bước rất nhẹ như mùa thu con gái-
như bàn tay khẽ hát tiếng đàn tranh…
(Hoàng Anh Tuấn).
Trần Dạ Từ thì:
Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em.
Em không thèm nhận anh chết cho xem…
( Đỗ Quý Toàn ).
Hoặc:
Bước rất nhẹ như mùa thu con gái-
như bàn tay khẽ hát tiếng đàn tranh…
(Hoàng Anh Tuấn).
Trần Dạ Từ thì:
Em đi qua đời anh
Không nhớ gì sao em.
Tình yêu ấy hiền hậu, ngọt lành quá. Nhưng ngay trong lứa thi sĩ ấy có người đã cảm nhận được sự tan rã chóng vánh có thể diễn ra trong số kiếp con người. Viên Linh thì: Nơi đây trời rộng, cây già - Ở đây thân thể quê nhà đã tanh…Hoặc Nguyễn Thị Hoàng lại nhận ra rằng : Viên ngọc quý đã tan tành nước mắt - Bởi yêu người tôi chọn kiếp điên mê.
Hai mươi năm của Miền Nam khá ngắn ngủi, nhưng va chạm nhiều luồng tư tưởng và ý thức hệ. Chiến tranh lan tỏa quá nhanh nên có thể thiêu đốt hết các giá trị. Có người thử tưởng tượng mình thành một kẻ khác (một cách hóa thân) để nói về tình yêu. Nên cũng không phải là lạ khi vào cuối thập kỷ 60 Đặng Hòa ở Quy Nhơn ký tên là Nguyễn Thị Thùy Mỵ, Nguyễn Kim Phượng ở Quảng Đà lấy bút danh Hoàng Thị Bích Ni, và sau đó Nguyễn Bạch Dương ở Vĩnh Long ký là Lê Thị Tư…
Thời cuộc làm cho khoảng cách giữa sự sống và cái chết trở nên ngắn ngủi, nên thơ về tình yêu ngày càng đủ sắc màu. Xúc cảm về hoan lạc thân xác bắt đầu lộ diện. Như Nguyễn Miên Thảo: Và hai người chìm vào một cơn bão mật. Trẻ như Nguyễn Tất Nhiên thì: Chàng vuốt ve tình nóng hổi bàn tay. Hoặc Nguyễn Lương Vỵ liên tưởng : Tim tôi thành sữa pha đầy ngực em. Những cảm xúc thân thể này vẫn đẹp, không như đến thời gần đây, nhiều cây bút cố tình diễn tả trong thơ những “hổn hển "! Tình yêu trong Thơ tình Nam 75 nói chung là khá “hiền lành” kể cả khi các nhà thơ diễn tả phút “yêu nhau” pha lẫn giữa mộng và thực, trộn bóng hình, thân xác người yêu với huyễn mộng, huyền thoại . Chỉ tiếc là những bài thơ tình làm theo thể lục bát không nhiều. Những nhà thơ sành sõi thể thơ này như Hoài Khanh, Phạm Thiên Thư cũng góp mặt với cách gieo vần khác.
Một bữa, bỗng Thạch Điền xuất hiện qua điện thoại tìm tôi. Anh có bút danh mang tên thật, được biết đến nhiều hơn nhưng tôi xin phép được dùng cái tên chỉ xuất hiện một lần trên Bách Khoa năm xưa cho hợp với sự lựa chọn im bóng. Là tu sĩ phái Phật giáo Nguyên Thủy, sau 1975 anh ra đời, tự nuôi thân, rồi lấy vợ có con và gát hẳn chuyện văn thơ trên mặt báo. Người thầy của anh năm xưa đã sang Ần độ tu tập. Một bữa sau năm 2000, thầy về Việt Nam gọi anh: việc đời đã xong, con nên trở về dưới bóng chùa. Hai con đã đều có gia đình, vợ tự lo làm ăn được, nên anh ung dung theo thầy sang Ấn Độ, và làm thơ trở lại. Sau mấy năm, anh đi mở một ngôi chùa trên vùng núi Thái Lan giáp xứ chùa vàng Myanmar. Rồi anh cũng trở về Việt Nam, lên miền cao nguyên năm xưa cất một tịnh xá, mỗi năm ở đây vài tháng.
Ngoài Tô Đình Sự tức Sương Biên Thùy (mất trước 75), Thạch Điền có 2 bài trong sách. Người tuyển chọn chắc có con mắt khách quan. Thầy tu làm thơ tình, càng thú vị !
10.2011
Võ Chân Cửu
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét