Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

THÁC MÁU ĐỘC ĐÁO Ở NAM CỰC

Thác Máu độc đáo ở Nam Cực
Các cộng đồng vi khuẩn cổ độc đáo bên dưới sông băng Taylor đã hình thành nên một thác nước có màu đỏ kì lạ, được gọi là thác Máu.
Nam Cực thường gợi hình ảnh của màu trắng và xanh dương, nhưng lục địa băng giá này đôi khi có thể bị ảnh hưởng bởi màu sắc bất thường. Hơn một thế kỉ trước, khi nhà địa chất học Griffith Taylor lần đầu tiên khám phá Nam Cực, ông đã tìm thấy một vết màu đỏ kì lạ tràn ra từ mỏm sông băng trông như thác nước. Toàn bộ khu vực này gợi hình ảnh của một thác máu.
 
Nguồn gốc của thác Máu là một hồ nước mặn bị mắc kẹt dưới dòng sông băng khổng lồ xuất hiện ít nhất là 1,5 triệu năm trước. Không giống như các sông băng ở Nam Cực khác, Taylor không đóng băng hoàn toàn mà chỉ kết thành từng tảng lớn trên bề mặt. Bên dưới vẫn còn là nước, bởi vì vài triệu năm trước đây, thung lũng Taylor là vùng biển bao quanh giống như một vịnh hẹp.
Khi khí hậu thay đổi và biển rút lui, một hồ nước mặn đã chiếm thung lũng. Sắt có chứa muối từ nước biển đọng lại trong đáy hồ. Nhiệt độ của nước trong hồ là -5 độ C, nước rất mặn. Độ mặn gấp 2 đến 3 lần so với nước biển bình thường. Chính vì vậy mà nó không bao giờ đóng băng, nước chỉ có thể từ từ thẩm thấu vào băng khiến cho chúng có sắc đỏ đặc biệt. Thác Máu là một sông băng gỉ giàu chất sắt.
Tuy nhiên, thác Máu còn sở hữu một bí mật nữa, được các nhà khoa học đến từ đại học Harvard khám phá ra. Phải mất nhiều năm liền, họ mới lấy được một mẫu nước trong hồ dưới lòng sông băng Taylor này. Họ đã phát hiện ra toàn bộ thác Máu là một hệ sinh thái của vi khuẩn cổ bị mắc kẹt qua hàng thiên niên kỉ dưới lòng đất, mà không có các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng chúng đến từ thế giới bên ngoài.
 
 Phân tích mẫu nước gồm có hóa chất và vi sinh vật, các nhà khoa học khẳng định đây là hệ sinh thái của vi khuẩn tự dưỡng hiếm có dưới bề mặt sông băng. Mẫu nước có ít nhất 17 loại vi khuẩn khác nhau và không có oxy. Nhưng chúng vẫn sống, vẫn tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt với một nhiệt độ cực thấp và ánh sáng mặt trời cũng không thể xuyên qua cả một lớp băng dày nhiều tầng của dòng sông băng Taylor để chiếu ánh nắng xuống mặt hồ, nằm sâu 400 m bên dưới.
 Duy chỉ có chất sắt và các hợp chất lưu huỳnh là nguồn năng lượng cơ bản nuôi sống cộng đồng vi khuẩn cổ tồn tại qua hàng triệu năm nay. Nhưng một vết nứt ở sông băng khiến cho hồ nước ở dưới mặt băng chảy ra, tạo thành thác mà không làm ô nhiễm hệ sinh thái bên trong hồ.
Khi các nhà địa chất đầu tiên phát hiện ra thác nước tại sông băng Taylor ở thung lũng khô McMurdo trong năm 1911, họ nghĩ rằng màu đỏ của nước là do tảo sản sinh ra, nhưng bản chất thật sự của nó hóa ra là do sắt oxit gây ra ngoạn mục hơn nhiều so với tuyên đoán ban đầu.
Nơi này không bình thường cung cấp cho các nhà khoa học một cơ hội duy nhất để nghiên cứu cuộc sống bên dưới bề mặt sông băng Taylor, cuộc sống của vi sinh vật cổ đại trong điều kiện khắc nghiệt mà không cần phải khoan các lỗ khoan sâu trong chỏm băng vùng cực, với nguy cơ ô nhiễm liên quan đến môi trường mỏng manh xung quanh các tảng băng.
 Một số hình ảnh về thác Máu độc đáo
Theo BDVN

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét