Thứ Hai, 31 tháng 10, 2011

ĐỂ KHÉP LẠI MỘT CHẶNG ĐƯỜNG

                                     Những buổi chiều có nắng, có mưa  của Sài Gòn những năm đầu của thế kỷ XXI, chúng tôi gặp gỡ, nói chuyện về những ngày tháng đã qua, phút giây đang có và những gì sẽ đến. Loay hoay thế nào rồi cũng nói về nơi chốn mà mình đã được sinh ra, lớn lên, học hành, yêu đương…rồi quay lưng đi về trong những thời kỳ của đời người.
                   Sau những lần phiếm đàm như vậy, chúng tôi chia tay, mỗi người trở về với công việc đời riêng. Tôi lại về với nơi mà tôi rất muốn về, thành phố nhỏ dễ thương của tôi: Huế.

                 Nhưng bạn bè vẫn không quên gọi điện thoại nhắc lại chuyện “Huế ở Sài Gỏn” và đề xuất việc sưu tập mảng thơ Huế của những người con xứ Huế.
                   Mục đích là tìm ra lớp lớp người con của Huế đang sống, làm việc ở quê nhà, hay ly hương vì hoàn cảnh nhưng vẫn đau đáu  nhớ về nơi cắt rốn chôn nhau. Từ nỗi niềm đó, họ đã viết những câu thơ để  giãi bày, nói lên tâm sự, tình cảm của mình trước cuộc sống.
                   Khoảng đầu tháng 11.2005 ở Huế, tôi trao đổi đề tài với những người anh em có hoạt động về báo chí, văn chương thơ phú, được nghe sự đồng cảm cũng như nhận được sự không đồng tình. Nhưng, chúng tôi đã nhất quán là việc làm chỉ thể hiện một “ chút tình của những đứa con Huế ham chơi”, và để tạ ơn Huế đã cưu mang dưỡng dục rất nhiều lớp thế hệ những người con Huế đang hòa nhịp sống cùng dân tộc trong nước, hay đang ở nước ngoài. Bởi Huế, nơi ra đi là để nhớ về, nơi đang ở là để lưu luyến không nở rời xa.
                 Trong quá trình sưu tầm, chúng tôi bắt gặp những tâm hồn hết sức nhạy cảm với cuộc sống, họ có cách nhìn về nơi họ có tuổi thơ, có gia đình, có những giây phút trải lòng với mảnh đất thân yêu. Từ đó họ đã góp phần tích lũy  dòng thi ca ngày một đa dạng trong dòng chảy văn học nghệ thuật của Huế. Những sáng tác của họ, trong đông đảo nhà thơ Huế đã thành danh, nhà thơ quần chúng, nhà thơ nghiệp dư, cũng đã tạo ra những khoảnh khắc hồng nhuận trong cuộc đời  lắm nhiêu khê hằng ngày của chúng ta.
                  Rồi thì công việc cũng vượt qua những trắc trở để tháng 6.2006, “1000 nhà thơ Huế đương thời” tập 1 (NXB Hội Nhà Văn) phát hành trong Festival Huế 2006, đóng góp một mảng nhỏ thơ văn Huế vào lễ hội văn hóa lớn của Việt Nam nói chung và Thừa Thiên Huế nói riêng. Tập 1 ra mắt bạn đọc với sự góp mặt của 334 tác giả.
                 Trong khi thực hiện bản thảo và tiến hành in ấn, phát hành, chúng tôi gặp rất nhiều thiếu sót ở  bước khởi đầu này. May mắn là đã nhận được sự cảm thông của quý vị tác giả và bạn đọc, góp ý cho chúng tôi tiếp tục việc sưu tầm, để tháng 6.2008, tập 2 “1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời”  (NXB Thuận Hóa) “trình làng” vào dịp Festival Huế 2008 với sự tham gia của 322 tác giả.
                 Và bây giờ là tập 3 “1000 Nhà Thơ Huế Đương Thời” này đến với quý vị cũng trong dịp Festival Huế 2010, và hướng đến mừng Đại lễ 1000 năm Thăng Long – Hà Nội hoàn thành con số hơn 1.000 tác giả như dự kiến.
             Bộ tuyển thơ đã tương đối nên chúng tôi tạm xin được khép lại ở đây, xem như một chặn đường sưu tập để giới thiệu một lượng nhỏ người Huế thích làm thơ. Họ làm thơ do có chút tâm hồn thơ, làm thơ như một cách sống với cuộc đời thường ngày để nuôi dưỡng tâm hồn, thực hành một triết lý sống ở đời cho riêng chung với người khác và với bản thân mình. Qua đó hình thành những bài thơ gợi lên nét  đan thanh của cuộc sống đang hiện sinh từng ngày, từng giờ, từng phút, từng giây cho mỗi thân phận con người.
               Tạm dừng ở đây, chúng tôi xin được gửi lời cám ơn chân thành đến những tác giả đã chuyển sáng tác cho chúng tôi, gọi điện trao đổi góp thêm ý tưởng cho công việc sưu tầm được thuận lợi hơn. súc tích hơn. Chúng tôi cũng xin được gửi lời cám ơn các tác giả mà chúng tôi may mắn tìm thấy tác phẩm đang lưu hành trong cộng đồng, trong những tủ sách gia đình, thư viện công, tư trên các mạng mà chúng tôi tìm thấy  được và  mạn phép trích đăng trong bộ tuyển thơ này.
                Xin cám ơn các cọng tác viên đã chung sức trong việc sưu tầm, thực hiện và hoàn thành rất gian nan “1000 Nhà thơ Huế đương thời”; đặc biệt một người bạn thân thiết đã luôn theo sát, động viên chúng tôi hoàn thành kết quả như mong muốn.
                Xin được tưởng niệm một số ít tác giả đã ra đi khi 3 tập sách này đang trong giai đoạn hoàn chỉnh bản thảo hoặc vừa xuất bản.
                Có thể nói thơ là hơi thở của đời sống đại bộ phận người Huế cho nên mong quý vị, các bạn xem “Tuyển tập 1000 Nhà thơ Huế đương thời” chỉ là một tạp hợp “nhỏ” những người con xứ Huế nói chuyện thủ thỉ với quê mẹ hằng ngày của mình mà thôi.
                Và dù tuyển thơ tập 3 đã hoàn tất, chúng tôi vẫn thấy còn không ít thiếu sót về một công việc chưa trọn vẹn. Việc tìm kiếm sự vẹn toàn xin tiếp tục được trao lại cho những thế hệ mai sau…

                           Viêm Tịnh và Nhóm bạn Huế
               Huế - TP.Hồ Chí Minh – Hà Nội 2005.2010.  

Chủ Nhật, 30 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

NGÀY CON BẮT ĐẦU CỦA MẸ

               Buổi chiều, ngồi uống rượu bên hộ thành hào với những người mẹ trẻ đang có cùng một niềm vui của người đàn bà mang thai, tỏa trùm những tiếng cười chất ngất tương lai của họ.
              Uyên nguyên của sự sống bắt đầu từ nhịp đập của trái tim mạnh hơn, nhanh hơn thường ngày. Mầm sống đã bắt đầu và lớn dần cùng cuộc sống của người mẹ, niềm hân hoan chợt vỡ òa hạnh phúc trong lòng người phụ nữ.
              Những đôi mắt rực sáng, họ đang cầm trên tay cánh hoa cát tường.

ÁC MỘNG - ĐINH HÙNG


Niềm khát vọng, ta ghi vào huyết sử,
Dưới chân em, Thơ lạc mất linh hồn
Ta đau xót trong mỗi giờ tình tự,
Ta khóc nhiều cả những lúc trao hôn

Đời tàn tạ, Em đừng ca hát nữa:
Hội thanh bình, cuộc sống gượng vui thôi
Ta muốn điên vì khóe miệng em cười,
Ta cuồng dại bởi nghìn câu em nói

Nhan sắc ấy chớ nên tàn nhẫn vội,
Tình mất rồi! Oán giận đã mênh mông
Chớ thờ ơ! Ta nổi giận vô cùng,
Nhiều ác mộng hằng len vào giấc ngủ

Ta quên hết! Ta sẽ làm Bạo Chúa,
Sống nghìn năm, ngự trị một lòng em
Cuộc ân tình ghê rợn suốt muôn đêm
Nào ai tiếc thương gì thân mĩ nữ!

Tay mỏi ôm sẽ dày vò nhung lụa,
Phấn hương nhàu, tan tác áo xiêm bay
Ta bắt em cười, nói, bắt em say,
Ta đòi lấy mảnh linh hồn bỡ ngỡ

Ôi! Ly rượu em dâng toàn huyết đỏ
Ta uống cùng dòng lệ chảy đêm xưa,
Để ưu tư, hờn giận vớ nghi ngờ
Về hiển hiện, bóng ma kề bên gối

Bao hoan lạc! Sau những giờ tội lỗi,
Một mình Em sửng sốt đứng bên giường,
Ngắm ta nằm say giấc ngủ đau thương,
Ta run sợ bỗng thấy lòng tê tái.
                                                                    ĐINH HÙNG

Thứ Bảy, 29 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ


NHỮNG BÀI THƠ ĐI THEO NGÀY THÁNG.

A,
12.03.1950
Hãy hình dung một người thanh niên vừa bước vào tuổi mộng mơ, đã chớm biết rung động trước bóng dáng người thiếu nữ bên vườn hoa hồng tươi thắm của tiểu Paris phương Đông, Đà Lạt với rừng thông xanh mướt trử tình. Từ đó, tâm hồn người thanh niên là cả những khơi trào mạch nguồn thơ cho nhan sắc hương nhụy tuổi học trò. Nơi để lại hơi thở của cánh đồng tuổi thơ đong đưa cùng tiếng reo gọi gió của rặng tre làng nắng hạ một thời xa xôi quê mẹ.

B,
10.04.1955...23.06.1071...26.08.1985…
Thời gian vẫn lặng lờ trôi, không nhanh không chậm cho một đời người, chạm vào rất nhiều những nơi chốn mà cuộc sống đẩy đưa đi và đi mãi. Dòng thơ cũng cuộn theo bước chân tìm kiếm, khám phá những vùng đất trời xa lạ. Cảm nhận và rung động tận cùng của tâm hồn với con người, với cảnh đời. Từ đó thơ đằm thắm hơn, sâu lắng hơn với người làm thơ, với tha nhân, với quê nhà, với những quê hương mới đã định cư, đã đi qua. Và dòng thời gian rất bình thường nhưng lại đưa người con lưu lạc trở về với nơi mà tuổi thơ đã từng sống, từng hoài vọng nhớ nhung, từng ước ao được quay lại. Và …đang trở về.

…D,
08.02.2002…07.07.2003…15.04.2004…20.11.2005…20.11.2008…
Tình yêu vượt qua và kết lại trong sâu tận của rung động trái tim thành những vần thơ thoát ra tiếng thở dài ngậm ngùi rất gần, mà lại rất xa. Tâm hồn người làm thơ luôn chìm trong những đớn đau kiếp người, thất vọng rồi hy vọng sự đồng cảm của người khác. Em là nắng. Em là sương, là vũ trụ mênh mông mà anh đang âm thầm yên sống. Nơi trú ẩn an nhiên của đời người là tình yêu, khuôn mặt người thiếu nữ gần gủi biết bao cho dù khoảng cách không gian bao nhiêu cũng không thể tách ròi nỗi niềm yêu dấu được. Tình yêu đồng vọng qua không gian và thời gian để hóa thân thành cánh hoa bất tử.

…..X…Y
Chủ nhật 15.04.1990…
Nhưng lời âu yếm trong buổi sớm mai, những bước chân bên nhau khi hoàng hôn tỏa xuống cánh đồng êm ả của nơi quê hương mới cho hai người được ở cùng nhau theo như nguyện chuyện vợ chồng đã chất ngất thương yêu, hạnh phúc bình thường mà thăng hoa cho cuộc sống. Và trở thành thiên đường có thật của tình yêu. Một chuổi dài tình yêu thương nhau và những gần gủi, nhưng chia xa theo nhịp sống vẫn còn đó một gia đình hạnh phúc. Em sẽ sồng không có gì thay đổi, Em yêu anh hơn cả thưở ban đầu. Em vẫn đẹp với anh vì Em rõ, Anh yêu Em, duyên kiếp đến đời sau.

Z.
20.02.2010.
Quá khứ và hiện tại là một trộn lẩn, gắng kết không dứt rời, hai thiêng liêng của đời người có từng phút giây sống thực. Những bài thơ của Lyca Dương Quang Đức đã nói lên được những rung động sâu xa nhất của trái tim, yêu dấu nhất của tâm hồn luôn thổn thức trước cuộc sống.
Cuộc sống mãi trôi theo thời gian, để có những tồn tại, có những mất mát không thể níu kéo, nhưng cũng từ đó đã hình thành một thế giới mới, thế giới của yên bình hiện hữu riêng của hai người cho nhau. Thốt lên tiếng vọng tình thương yêu cho hôm nay và cho những ngày mai, Rồi một mai, khi về bên xứ lạ, Anh xin vào sống mãi giữa lòng em.
 
Trọng xuân Tân Mão 
Viêm Tịnh

EM LÀ CÔ GÁI DƯ HIỀN THỤC - NGUYỄN MIÊN THẢO

Em là cô gái hay làm nũng
Cho nên lắm kẻ nói lời yêu
Khi em bỗng hoá thành ngọn gió
Bao chàng trai trẻ cứ liêu xiêu

Đôi khi em giả đò ngang ngược
Anh bỗng hoá thành con bướm say
Chờ khi em nói lời ngon ngọt
Anh về hút nhụỵ phấn vàng bay

Một ngày mấy bận em hờn dỗi
Anh cứ làm thinh không nói năng
Chờ khi con tim em yếu đuối
Anh mới làm thơ gửi trăng rằm

Nhiều khi em rất chi mềm yếu
Mỏng manh như là giọt sương mai
Chỉ hơi thở nhẹ là tan vỡ
Anh đành nín thở đợi ngày lên

Đôi khi em nói lời xa vắng
Là biết rằng em rất nhớ anh
Đôi khi anh nói lời xa cách
Là muốn em về em biết không?

Anh biết con tim em yếu đuối
Nên suốt đời em lắm khổ đau
Trái tim em vô cùng ấm áp
Cho nên lòng em luôn giá băng

Nhiều khi em vui như chim sáo
Là lúc anh vui đến nghẹn ngào
Có lúc em buồn như mây trắng
Anh ngồi sầu muộn đến nghìn sau

Em là cô gái dư hiền thục
Anh gã giang hồ hết chốn đi
Nhiều khi muốn về quê quán cũ
Sợ em phai dấu tuổi xuân thì

Em vẫn dịu hiền như cơn gió
Anh vẫn phiêu bồng như mây trôi
Hãy đợi chờ nhau dù muôn kiếp
Có ngày hai đứa sẽ chung đôi
                                                                      NMT

Thứ Sáu, 28 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

MỘT LỜI NÓI


 To all , I would say how mistaken they are when they think that they stop falling in love when they grow old, without knowing that they grow old when they stop falling in love…

Cho tất cả mọi người, hẳn là tôi sẽ nói rằng họ quá sai lầm khi nghĩ rằng họ sẽ không còn yêu ai nữa khi họ đã già, mà không biết rằng họ trở nên già khi họ ngừng yêu thương…

Gabriel Garcia Marquez


BỞI ĐÓ LÀ PHẠM CÔNG THIỆN - VŨ TRỌNG QUANG

 Tự nhận thiên tài độc nhất của Việt Nam
 không ai cạnh tranh
dám giao cấu mặt trời thủ dâm thượng đế
đám đông mở cửa trộm nhìn
mười sáu Anh Ngữ Tinh Âm bỏ trường
giật mình khai mở
bởi đó Phạm Công Thiện

Trần ai bước chân thiền sư
bàn tay dấu ấn triết gia
cúi xuống trầm tư văn sĩ
ngẩng đầu lạ lùng thi sĩ
bảy mươi mốt
phấn kích dị kỳ
bản chất cơn lốc

Ngày Sanh Của Rắn gió thổi đồi thu qua đồi thông
gió thổi qua cõi khác
cho quế hương nằm ở nhà thương điên của trí nhớ
gió thổi đi cho hết một đêm hoang vu
gió thổi ý thức mới
gió thổi hố thẳm im lặng
gió thổi mưa chiều thứ bảy đã về sớm
cây khế đồi cao không kịp trổ
gió thổi gió thổi gió thổi
hiện tượng cơn bão

Thiện nói Henry Miller chết tôi không buồn
con ong chết tôi buồn lắm
tôi nói trời đất chết tôi không bất ngờ
Phạm Công Thiện chết tôi ngờ ngợ lắm
VŨ TRỌNG QUANG
Từ blog của  Từ Nguyên Thạch – 14.03.2011

Thứ Năm, 27 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

                     QUÊ NHÀ LÀ THẾ ĐẤY

Có những lần đi là dứt hẳn, quên hết để có được một chốn khác mới hơn, dựng lại những kỷ niệm thẳm đậm nét riêng hơn. Nhưng cũng  những lần xoay lưng là nỗi dằn vặt, luyến nhớ xuyên chạm những vết hằn trong trái tim để có thời khắc rất một mình chìm vào biết bao tiếng thở dài của ngày tháng cũ:
                                Huế thành xứ Huế vấn vương
                                Mong ra núi Ngự mà thương một chiều
  Đó là day trở của tâm hồn nhạy cảm, bởi lưu lạc chốn người là vì như kẻ đi biển phải thuận dòng theo sóng gió để bảo đảm cuộc tồn tại nhân sinh của chính bản thân mình. Hà Văn Sĩ đau đáu chốn quê trong từng niềm nhớ nhung khi những xô dạt cuộc đời đẩy xa dần cuộc sống ra khỏi lũy tre làng thân thiết:
                               Một đi không lại, vạn lần thương
                               Huế chừ là Huế cố hương
Quê nhà là thế đấy!
Mang nặng một hành trang tưởng chừng không thể nào chịu đựng được, nhưng rồi anh cũng tự biết thích nghi với cuộc lưu đày cơm áo, có những thời gian và không gian của riêng minh để nhịp đập của trái tim là tiếng vọng chuyển đến một khuôn mặt dịu dàng sắc xuân có nụ cười thắm đẫm lời hò hẹn:
                               Thời gian trôi, ta đi về quá vãng.
                               Nơi không em ta thấy lắng tâm hồn.
                               Chiều nhẹ tênh gợi ta niềm nhung nhớ.
                              Nghe vọng về vũ trụ cũng ngu ngơ.              
 Từng ngày vẫn bình lặng đi qua, thời gian của nơi này cũng là thời gian của chốn khác, nhưng mỗi nơi chốn trú thân là một dấu ấn của hiện tại và trở thành ký ức của ngày hôm sau:
                               Thu từng qua, mùa lá rụng đầy
                               Như lữ khách, anh đong sầu bằng xác lá
 Từ lẽ đó trong thơ Hà Văn Sĩ dàn trải một dòng thời gian đứt, nối tâm tư tình cảm của những nơi đã cho niềm trú ẩn của thân phận:
                              Ta lặng ngắm chiều
                                                        Ngất ngây
                                                                  Rồi chợt nhớ
                               Hoàng hôn qua rồi
                                                       Mai có rạng đông lên
Trải nghiệm qua từng cụ thể của đời sống lắm nhiêu khê, bàn bạc những hoài vọng nơi đã xa lắc chuyến về:
                           Linh hồn say dốc cạn gánh lìa xa
                          Nỗi nhớ thương thức dậy giữa canh gà
                          Lay kỷ niệm xin tạ từ kỷ niệm
 Thơ Hà Văn Sĩ đã cho chúng ta những cảm xúc của cuộc sống, cho dù cuộc sống như thế nào đi nữa, cuộc sống của một đời người luôn được trân trọng vì đó là một nhiệm màu của Thiên Thượng đã ban cho chúng ta.
Mùa Hạ Huế. tháng bảy 2011.
VIÊM TỊNH

THƠ LỤC BÁT - VIÊM TỊNH

NẮNG VÀ MƯA

Sài Gòn có chút nắng mưa
Sài Gòn có giấc ngũ trưa Sài Gòn
Em thì xanh biếc đọt non
Còn anh hái mộng vàng son xế chiều.

BỌT TĂM

Em đang gối mộng bên trời
Nơi đây xa quá lời mời trăm năm
Giữa tàn cuộc rượu bọt tăm
Còn ai ngồi lại ăn năn phận người.

SỞ TỪ

Rượu uống từng ngụm có say
Rượu uống một chặp đắng cay phận người
Thôi em cuộc hẹn một lời
Vỗ tay nghe khúc nhạc đời tuyết phai.

Thứ Tư, 26 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

CÂU LẠC BỘ CHIM CẢNH

                         Trước mặt chùa Từ Đàm có một quán cà-phê, bình thường người uống ngồi quay mặt ra đường nhìn xe cộ chạy qua, chạy lại, hóng mắt  có khi nhắm được một vài nhan sắc tình cờ vút xe ngang, cũng là được điểm nhãn buổi sáng. Đó là đương nhiên như rứa của mấy cụ đàn ông rảnh việc.
                         Nhưng tại quán cà-phê này mọi người đêu ngồi đưa vai ra ngoài mặt tiền (có phí không) nghếch mặt vào khu vườn nhỏ bên hông quán, tò mò vào và hiểu ra, giữa vườn có một cái lồng to đùng, trong đó có cả chục chú chim Chào Mào (còn có tên Chúc Miều) đang nhảy nhót trừng giỡn, hót líu hót lo, còn có hai sợi giây phơi treo móc hơn hai chục lồng chim, cũng toàn chim Chào Mào. Lồng nào cũng được chủ săn sóc kỹ lưỡng, nội cái lồng nuôi chim cũng thể hiện được đẳng cấp của chủ và chim.
                          Hỏi ra, tại đây là nơi sinh hoạt CLB Chim cảnh,  buổi sáng 5 giờ bạn phường Vành Khuyên tụ họp, theo người chủ quán, chim Vành Khuyên vào lúc sớm trời tiếng hót rất hay, đến bảy giờ là bạn phường Chào Mào đến hội. CLB Chim cảnh đã có nhiều bằng khen treo trong quán.
                          Những hội viên ngồi yên lắng nghe tiếng hót của chim với một tâm trạng khẩn trương mê đắm, có phải đang ở trước ngôi chùa quá nổi tiếng nên Vành Khuyên và Chào Mào cùng hợp tấu với tiếng chuông mõ vào thời kinh kệ buổi rạng đông rất thuần tâm, ấm tánh không. Chuyện đó thì phải hỏi chim mới biết được, mà chim ở trong lồng chỉ biết hót  mua vui cho chủ  mà thôi. Cũng đành như rứa đã.
                          Sinh hoạt cùng chim cho tâm tình an lạc vậy.

NHỮNG BẬC CHÂN TU * THẬP TAM LÃNG TỬ - LÊ NGỌC THUẬN

NGUYỄN MIÊN ĐẠI SƯ

Một trong tứ dị trần gian
Đại sư mang cả hồn nàng theo kinh
Hèn chi chuông mỏ gập ghềnh
Dồn lên dập xuống lênh đênh xác phàm.

VÕ CÔNG TỬ

Đơn thân độc chiến quần hùng
Tả xung hữu đột nội công ngất trời
Khuya về mộng rã mồ hôi
Tham thiền nhập định thế ngôi cô đơn.

CAO THÁM HOA


Phủi tay về giữa bụi đời
Rượu khơi giỡn chén vô thưòng cạn chơi
Đã quên danh phận trong đời
Khi say chửi tới Thiên Lôi cũng gờm.


VĂN TƯ MÃ

Giọng ngâm xuyên suốt xiêm y
Hương da thịt thấm xuân thì ngả nghiêng
Rong chơi ròng rã đâm ghiền
Môi ai mọng nước ngoài hiên địa đàng.

THÁI TINH QUÂN

Đ.M. âm vọng nghênh ngang
Bỗng dưng tim đập oanh vàng run môi
Một mình thở chẳng ra hơi
Nửa đêm xuất cuộc tình rơi giọt buồn.

PHẠM NGỰ SỮ

Thân đã rời xa Truyền Thanh Tự
Cân đai áo mão trả cho đời
Về đây rượu vời xưa bè bạn

Cạn chén buồn vui ai nhớ quên.

TÂN ĐẠO SĨ

Chùa Lão Tử một mình hương khói
Dấu giang hồ ẩn trong men cay
Thôi thế sự nhân sinh hề! Cạn
Phố khuya về vô ưu bước chân.

THẠCH CẦM ĐẶNG NGỌC

Khúc thạch cầm âm thầm tiếu ngạo
Thì sá chi Bất Bại Đông Phương
Tay vẫn cứ búng giây huyền hoặc
Rượu theo cung nốt vọng phong trần.

TRẦN VÀNG TIÊN SINH

Môi bí mật không ai biết được
Lưỡi tiên sinh chạm phải răng ai
Đêm Vỹ Dạ vẫn còn hư ảo
Rượu với trăng tàn chưa? Chưa tàn!

LÃNG TỬ HỒ THUYÊN

Tây hay Đông trời cũng có mây
Rượu phương nào anh vẫn cứ say
Kệ cha thiên địa tình nhất xứ
Bằng hữu ngàn ly cạn rồi đầy.

TỪ HOÀI BÁ TƯỚC

Một Nam Trân cũng đủ vàng da
Huống hồ còn B-C-G-S
Tim bá tước nhiều ngăn chưa rõ
Hãy thâu vào sách sử thời xanh.

HUỲNH ĐẠI SỸ

Tóc Huỳnh Ngọc khi vàng khi đỏ
Phải chăng theo mấy quẻ càn khôn
Tay đường chỉ rằn ri phiêu bạt
Rượu ngậm ngùi cây lá Quê xưa.

LÊ NGỌC THẤT PHU

Lòng gã trong như nước lọc
Qua bao cát sạn đá than
Gã ngồi ngẫm kinh vô tự
Trăng rơi những giọt sương tàn.

LNT.

Thứ Ba, 25 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

RA NGOÀI GUỒNG                          

                             Sáng nay ra Tứ Hạ uống cà-phê với Ngàn Thương, Triệu Nguyên Phong bên dòng sông Bồ, chuyển đổi không gian quen thuộc để cảm nhận đời sống của người khác, cho đời sống của mình súc tích hơn một chút.
                             Buổi sáng vẫn còn hương cỏ non dịu nhẹ. Hai bờ dòng sông Bồ đã có chiếc cầu, bên kia thôn Liễu khuôn mặt khác hơn, tươi vui hơn khi đứng trên cầu nghe gió lồng lộng, thắm mát chiều hè vọng tiếng lao xao lũy tre lay gió. Và mùa trăng ru lắng câu hò à ơi đưa võng.
                             Êm đềm tiếng vọng làng quê.  


LỤC BÁT ĐÊM - HOÀNG THỊ THIỀU ANH

Em đi gần nửa cuộc đời
Buồn ư? Cứ hét cho người điếc tai
Buông chi một tiếng thở dài?
Để cho đêm lặn vào ngày khổ chưa
Tham lam biết mấy cho vừa
Bao nhiêu uất ức đổ bừa vào nhau

Thế gian được mấy túi sầu
Mà em phải gánh qua cầu,đêm nay?

HTTA

Thứ Hai, 24 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

TINH KHIẾT

Trong cuộc sống này chỉ mong được như cành hoa sen. 
Ước vậy.

THUỞ XA NGƯỜI - TRẦN XUÂN KIÊM

Một sớm người đi theo mây bay
Ta say nằm lạnh buốt đêm dài
Tỉnh ra thấy cụm hoa đầu ngõ
Ta vẫn còn, hay nỗi tàn phai?

Nửa đêm tỉnh dậy thấy sao rơi
Ta nghĩ người đang ở cuối trời
Ơi những đám mây còn lãng tử
Xin để hồn chùng trong đêm khơi

Ôi má người từ nay thôi hồng
Gió cũng trầm thương tóc thôi hong
Mai sau thoảng nhớ mây vườn cũ
Ta yêu người bằng mối tình không

Chủ Nhật, 23 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

MẤT CÒN
                          Đứng bên con đường Nguyễn Đình Chiểu, nhìn công viên không có tên, nhìn bảo tháp kỷ niệm những Thánh tử đạo của thập niên sáu mươi, bồi hồi cho tuổi thanh xuân.
                          Trước đây qua bao nhiêu năm tháng ngôi nhà đã có những chứng tích, giờ không còn nữa. Vội vàng xóa đi, để biết rằng hiện tại đang xây dựng lại hiện tại và quá khứ chỉ là bóng ảo của quá khứ mà thôi.
                          Nhưng ký ức của mỗi người đã sống trong thành phố này thì chắc chắn không thể phai mờ được. Qua bao nhiêu thời kỳ, phong trần một khoảng, cũng thấy sự thất bại phủ mờ nhân ảnh.
                          Hy vọng gì những cây hoa kiểng trong công viên làm dịu đi nỗi buồn thời gian.

SƠ HUYỀN - TUỆ SỸ

                                                         
Tang thương một giải tóc huyền
Bãi dâu ngàn suối mấy miền hoang vu
Gởi thân gió cuốn sa mù
Áo xanh cát trắng trời thu muộn màng
Chênh vênh hoa đỏ nắng vàng
Gót xiêu dốc núi vai mang mây chiều
Tóc huyền loạn cả nguyên tiêu
Lãng du ai ngở cô liêu bạc đầu
TS

Thứ Bảy, 22 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

ĐIỀU…MÀ KHÔNG THỂ KHÔNG.

                    Lắm khi ân sũng không phải là sự ban phát, mà cùng nhịp đập của trái tim khát khao nhau. Thế thì sao của cuộc đời ngắn ngủi này ta lại vẽ tuồng bột màu. Sao ta không sống thực. Sao ta nghe âm vọng nỗi mù xa, thở hơi tức tưởi.
                   Ta chìm trong nỗi niềm mà ta phải bảo vệ cho đến kiệt cùng để tồn lưu cuộc sồng. Chỉ khi E giải mã tín hiệu mược mà, sự phục sinh mới hiển hiện. Ta chắc rằng thì là E cũng đồng cảm như ta đồng cảm E. Hiểu nhịp đập của trái tim cuộc sống mới thể hiện là cõi người ta, rất thực.
                   Cho dù E hóa thân thế nào đi nữa thì nhiều kiếp sau (nếu có) a vẫn nhận ra E. Vì, chỉ cần thoáng một trở mình, a đã hoảng hốt vì E.
                   Điều đó E đã là của riêng a.      

BÙI GIÁNG VÀ DI CẢO ĐỂ LẠI LÊ GIA TRANG - HỮU BẢO

Những ngày yên nghỉ thênh thênh
Lê gia trang ấy nghĩa tình xiết bao
Cỏ cây hồ cá thì thào
Mai sau tâm sự chốn nào nơi đây
Xa trời gần đất tuổi này
Tao phùng đầm ấm những ngày tương giao...

Hẳn nhiều người nhận ra giọng Bùi Giáng trong bài thơ này. Bài thơ được viết năm 1991, tên của nó là “Những ngày yên nghỉ Lê gia trang”, bên cạnh bài thơ tác giả chua thêm dòng chữ: “Tôi về chỗ tôi đã ra đi. Ở đó có một bầu trời xanh”. Câu viết gợi nhớ đến Hoàng tử bé – cuốn sách mà Bùi Giáng dịch xuất thần từ Saint Exupery. Vậy Lê gia trang là đâu mà Hoàng tử bé ấy đã có lúc chọn làm nơi trú chân trong đoạn cuối cuộc hành trình trở về với tinh cầu của mình? Mười bảy cuốn vở chứa đầy di cảo thơ Bùi Giáng được cất giữ suốt 15 năm qua trong một ngôi nhà ở Xóm Gà, Bình Thạnh đã hé lộ thêm đôi điều về một tài thơ trác tuyệt dù luôn miệng “vui thôi mà” nhưng để lại nhân gian những tâm sự buồn quá đỗi...

Gương mặt đời: “Điên phi thường”

Có thể nói người Sài Gòn nào tuổi trung niên trở lên và thường di chuyển trên đường hẳn cũng có lúc vô tình bắt gặp thi sĩ Bùi Giáng trong hình dáng một người điên lang thang khắp chốn từ Ngã Bảy, Gò Vấp đến Chợ Lớn, An Lạc. Lần đầu tôi nhìn thấy Bùi Giáng là khi ông đang làm cảnh sát công lộ, một chiếc xe hơi chạy qua vội dừng lại, người trên xe bước xuống cung kính “Thưa thầy” rồi mời vị “cảnh sát” lên xe. Về nhà hỏi ba tôi, ông bảo chắc đó là người dịch “Hoàng tử bé”. Tôi nghĩ ba tôi lầm, vì thật khó tin cái người điên lôi thôi lếch thếch ấy lại dịch được những dòng trong trẻo dường kia từ Saint Exupery. Nhưng hình ảnh những người sang trọng ngồi xe hơi gọi một người điên bằng “thầy” khai mở cho trí óc non trẻ của tôi hiểu được rằng phẩm chất thực sự của một con người được ẩn giấu trong bất kỳ một nhân dạng hình hài nào. Lần thứ hai là khi thi sĩ chọn Ngã Bảy để điều khiển giao thông, nghe tiếng huyên náo ngoài đường ba tôi ra xem, lát sau ông dẫn về một người điên với chiếc dép lủng lẳng trên cổ, mời vào nhà uống nước. Áo hai ba lớp, tóc tai rũ rượi vẫn không che được đôi mắt sáng đến kỳ lạ. Người điên im lặng ngồi một lúc rồi đi, vẫn chiếc dép toòng teng như Đạt ma tái thế, tỉnh táo như chẳng phải vừa cách đó ít phút ông làm náo động cả sáu ngả đường. Lần nay thì tôi tin mình vừa diện kiến tác giả “Martin Heidegger và tư tưởng hiện đại”- cuốn sách tôi từng đánh vật cả tuần lễ mà chỉ hiểu được có vài trang. Lần cuối cùng là khi tôi vừa bước chân vào nghề báo, bắt gặp ông đang ngồi một mình một bàn trong quán cà phê của nhà thơ Huy Tưởng khu Đa Kao, và sửng sốt nghe tác giả “Mưa nguồn” buột miệng ứng họa tức thì một bài thơ lãnh tụ đang được bình từ radio. Đó là Tết năm 1989, hai năm trước khi ông về ngụ tại nơi được thi sĩ gọi là Lê gia trang.
Lê gia trang- nghĩa là nhà vườn của một người họ Lê. Văn phong đặc trưng của Bùi Giáng là sự pha trộn tài tình ngôn ngữ bác học với khẩu ngữ dân gian, từ Hán Việt với tiếng lóng, với thuật ngữ triết học và kinh Phật, với cả những từ...không được thanh tao mấy. Nhiều người cứ ngỡ ông đùa hay điên khi chuồn chuồn châu chấu trong cảm thức ngôn ngữ của ông cũng quan trọng ngang với mọi dạng thức sinh tồn khác của vũ trụ. Nhưng nhớ chăng, “Hoàng tử bé, con cừu ăn đóa hoa, đó không phải là chuyện hệ trọng hay sao! Con cừu, có hay không có ăn mất đóa hoa?”. Cũng nghiêm trọng như thế, khi ông gọi ngôi nhà tôn ở Xóm Gà của nhà quay phim-biên kịch Lê Trác là Lê gia trang.
Hôm đó, tôi đang đạp xe từ Hãng phim Giải Phóng về ngang ngã tư Xóm Gà thì gặp Bùi Giáng bị xua ra khỏi quán rượu Thọ Nguyên vì không trả tiền rượu chịu, thế là tôi trả hộ rồi rủ Bùi Giáng về nhà uống tiếp. Ông ta nhảy lên yên sau, nhưng ngồi đâu lưng với tôi, và không ngừng múa may quay cuồng”- Ông Trác kể. Cuộc rượu tại nhà ông Trác kéo dài đến...sáu tháng, và thử hình dung một gia đình gồm hai vợ chồng với bốn con nhỏ trong một mái nhà không tươm tất mấy nay lại chứa thêm một người điên đúng nghĩa. “Tôi không quan tâm đến việc ông ta là một nhà thơ nổi tiếng, một giáo sư đại học trước 1975, tôi chỉ thấy đó là một người đáng thương, đôn hậu và tử tế”- lý do ấy đủ để gia đình này chịu đựng một người khách luôn có những hành vi kỳ dị, la hét bất thường, chỉ ăn được thức ăn mềm, tắm suốt ngày, thích ra đi ngay giữa đêm khuya và có thể làm thơ bất cứ lúc nào, bất kể ở đâu...Cuộc gặp tại quán rượu ấy tất nhiên cũng được Bùi Giáng viết thành thơ:
Rượu Thọ Nguyên- nhậu lu bù
Cho đời tàn xế tuyệt mù cuối năm
Rượu vào vắng bặt bóng tăm
Của chim cá với choằm hoằm tử sinh
Đôi phen sực tỉnh thình lình
Hỏi cây cỏ với thể hình người ta
- Ta là quỉ, hay là ma
Hay thần tiên dịch chuyển ra vô cùng
Chuyển vào thực thể mê cung
Dịch vào thể lệ song trùng tồn sinh...
                (rượu thọ nguyên)
Trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, nhà thơ kiêm dịch giả kiêm biên khảo kiêm phê bình văn chương kiêm cảnh sát công lộ tự xưng là Bàng Giúi không ngừng làm thơ, nhiều đến mức lắm khi gia chủ phải khiến ông tiu nghỉu khi kịp giành lại những bức ảnh kỷ niệm của gia đình mà Bùi thi sĩ định lật mặt trái để...đề thơ. Cô bé 9 tuổi nhỏ nhất nhà là người tìm ra giải pháp: cô tặng Bùi Giáng những cuốn tập 100 trang cho ông thỏa thích phóng bút. Khi mười bảy cuốn vở đã đầy thì ông bỏ đi...
Không ai biết mặt TTKH và nhà thơ này chỉ để lại một dấu hỏi, còn Bùi Giáng dù lang thang khắp chốn trước mắt bao người nhưng gieo rắc hàng loạt câu hỏi đến nay vẫn chưa có lời đáp: Ông điên thật hay giả vờ? Tự học khi nào để có thể dịch được bốn thứ tiếng Anh-Đức-Pháp-Hán? Sáng tác ra sao mà trở thành một trong những tác gia nhiều đầu sách nhất của miền Nam trước 1975: hơn 50 cuốn? Qua lời thuật lại của ông Lê Trác về những gì thi sĩ Bùi Giáng tiết lộ trong sáu tháng ngụ tại nhà ông, có thể chắp nhặt đôi điều giúp được cho giới nghiên cứu văn học sử (xin không nhắc lại những điều đã nhiều người biết): Tên ông lý ra là Bùi Dán, nhưng khi đi làm khai sinh thì nhân viên hộ tịch viết sai thành Giáng. Năm ông lên hai, trong một lần cãi nhau người cha đã giành Bùi Giáng từ tay vợ ném ra cửa, trúng nhằm một cây đinh cắm sâu vào trán, vết thương rất nặng khiến ông chết đi sống lại, nhờ người vú nuôi tận tình chăm sóc mà đến lúc ông lên chín mới lành hẳn. Chi tiết này trùng khớp với “tiểu sử tự ghi” mà Bùi Giáng để lại ở chùa Pháp Vân - Gia Định hai năm sau đó - tháng 8 năm 1993, và phù hợp với vết sẹo trên trán thi sĩ. Như vậy tổn thương ở vùng đầu này có thể là căn nguyên cho chứng điên phát tác về sau. Nghĩ cũng lạ: xưa nay nhiều người tỉnh bị ngờ là điên, nhưng mấy ai điên lại bị người đời nghi là tỉnh như Bùi Giáng. Cũng theo ông Trác thì sau người vợ Phạm Thị Ninh mà nhiều tư liệu đã nhắc đến, Bùi Giáng còn một người vợ hiện vẫn sống ở Hội An, và hai người có với nhau một con gái (?).
Nhiều người thường thắc mắc mỗi khi bắt gặp Bùi Giáng múa may ngoài đường là cái thân hình gầy nhom khô đét ấy lấy đâu ra năng lượng để quay vù vù như một cái chong chóng đủ màu suốt từ sáng đến tối, bất kể nắng hay mưa, thì nay thắc mắc ấy phần nào được giải đáp: Bùi Giáng thường xuyên tập yoga trong thời gian ngụ tại nhà ông Trác, nên có lẽ nhờ đó mà dù ăn rất ít vì răng cỏ không còn bao lăm nhưng thi sĩ chẳng mấy khi bệnh tật và đủ sức uống rượu tì tì. Và cũng đừng tưởng nhà thơ điên này là bẩn nhé: Ông tắm rất nhiều lần trong ngày.
Tuy nhiên, câu hỏi mà tôi không thể không hỏi thì cũng chỉ nhận được câu trả lời không mới: “Quả tình tôi không biết Bùi Giáng điên hay tỉnh, vì khi điên thì ông điên dễ sợ, còn khi tỉnh thì thông minh tuyệt đỉnh, trí nhớ phi phàm!”- ông Trác thú thật.

Chân dung thơ: Nhiều sầu muộn
Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết dùng lời lẽ hồn nhiên đối đáp với trẻ nhỏ. Rất nhiều khi, đóa Tường Vy nhỏ là cô con gái út của ông Trác và nhà thơ cuồng đã có những đoạn đối thoại thường xuất hiện trong các tập di cảo như những ốc đảo xanh giữa sa mạc chữ:
Tường Vy bất chợt bần thần
Hỏi ông Bàng Giúi: “Ông gần hay xa?
Ông về trong cõi người ta
Ông là kẻ lạ hay là người quen?”
(Tường Vy chất vấn)
Đáp rằng: có lẽ ông quên
Hoặc là có nhớ rồi quên mất rồi
(Đáp lời Tường Vy)
Khó có thể bảo một người là điên khi người ấy biết hì hục khiêng từng hòn đá nặng về xếp thành giả sơn tặng gia chủ, để cảm tạ cái ơn đã dám “rước về riêng một thằng điên” như trong bài thơ mà Bùi Giáng đặt tựa là “Thần tiên Trác Cẩm gia đình”:
Gia đình rất mực thần tiên
Rước về riêng một thằng điên phi thường
Từ trên tới dưới tượng mường
Tượng mơ như mán như mường tường minh
Đầu tiên rất mực gập ghềnh
Tương cầu cảm ứng ưu phiền cảm ưu
Y ư nghệ- du ư ngưu
Tần thân sư tử dê cừu liếm la
Mím môi miệng mỉm răng nhe
Rằng tần thân ấy nghìn nghe ra ngoài
Bao dong tiếp cận gà choai
Láng giềng vịt bé tình hoài Tường Vy


Trong bài này, câu thơ cuối ban đầu là “Láng giềng vịt bé tình hoài Cẩm Vân” đã được tác giả gạch bỏ chữ “Cẩm Vân” (tên vợ ông Trác), để thay bằng “Tường Vy”: Có bao nhiêu người tỉnh biết giữ lễ để không bước qua cái ranh giới mong manh giữa cợt đùa và sỗ sàng như Bùi Giáng?
Trong mười bảy cuốn thơ Bùi Giáng viết trong thời gian lưu lại nhà ông Trác, vẫn là những câu thơ mang tính nhị nguyên: đầu tiên - cuối cùng, hỏi - đáp, một - muôn ngàn, sát na - thiên thu, đi - về...Vẫn là những cái tên kỳ nữ Kim Cương, Bạch Tuyết. Vẫn là Nguyễn Du, Huy Cận, Xuân Diệu và những những câu thơ tâm đắc nhất của chính mình từ các tập Mưa nguồn, Lá Hoa cồn, Màu hoa trên ngàn...Nhưng rải rác đó đây giữa những lời bỡn cợt quàng xiên lại chen những tâm sự buồn quá thể, của một người thường giữa khuya thức giấc nhớ chuyện xưa: “Nhớ thương từng phút từng giây. Những mùi hương cũ tàn phai bao giờ” (Giữa đêm), “Buồn vui như thể thân mình. Ai chia nửa máu ai giành nửa xương...” (Buồn vui như thể), “Xưa kia một tỉnh mười say. Bây giờ mười tỉnh một say một mình...” (Ăn năn)... Bài thơ dài nhất tìm thấy trong số di cảo này (cũng là bài thơ dài nhất của Bùi Giáng - được tác giả ghi chú đến hai lần, đầu và cuối bài là “Bài thơ dài nhất (122 câu)” cũng thật buồn với cái tựa “Quá khứ của anh”, mở đầu bằng: “Anh đau đớn nhưng không bao giờ khóc. Nuốt lệ vào cho vĩnh viễn thương yêu...”.
Hàng trăm bài thơ để lại trong những cuốn vở học trò như một thứ nhật ký tiết lộ nhiều điều về một nhà thơ vốn lắm giai thoại nhưng ít ai tường tận thân thế. Nó cho biết Bùi Giáng trong quá khứ có lúc ở tù:
Nằm đây nhớ phố bên ngoài
Nhớ chân trời mộng tình hoài lang thang
Nhớ trăm vạn, nhớ muôn vàn
Từ thân yêu tới điêu tàn nhớ nhung
Đường qua ngôn ngữ cuối cùng
Đường thân thiết gọi điệp trùng trùng điên
                                                         (Niềm đau ở tù)
từng đi Đà Lạt đóng phim:
Nó sắm cho ta nhiều áo quần
Đóng phim rất mực cuộc thênh thang
Cuộc chơi kỳ vĩ thông Đà Lạt
Trăng núi muôn vàn dội dư vang
Giao hưởng thần tiên nhớ mãi ngày
Tuyệt trù thy vận nở đầu tay
Trần gian như thể thiên đường vậy
Vĩnh biệt muôn vàn nhớ mảy may
                  (Nhớ mãi một lần)
rồi từng bị gãy tay, từng bị công an làm khó dễ, từng có những mối quan hệ bí hiểm từ thuyền quyên kỳ nữ đến giới đầu đường xó chợ...Để cuối cùng, hình ảnh hiện lên khi đọc xong tất cả những di cảo này là một chân dung sầu thảm chẳng có chút liên hệ gì với một người điên thường quay cuồng la hét giữa đường phố trong một cơn phấn khích bất tuyệt. Rất nhiều những giai thoại vẽ nên một Bùi Giáng thi sĩ tự do tuyệt đối, không thê triền tử phược, không hệ lụy áo cơm. Nhưng những gì ông để lại trong ngôi nhà nằm sâu trong con hẻm 482 Lê Quang Định này là chân dung hai mặt của một kẻ hò hét nhảy nhót ban ngày để lặng lẽ thức giấc trong đêm nhìn trăng ngậm ngùi hoài nhớ về một thời xa xưa tươi đẹp và mơ về một mùa Lễ hội sau cùng. Trong những di cảo này hay lập đi lập lại những từ “một cõi đi về” và “Lễ hội”. Cõi người ta thì đã rõ, còn Lễ hội nào vậy? Có phải miền đất mà các tôn giáo đều nói đến, nhiều triết gia từng tưởng tượng ra, được thi nhân Đông-Tây truyền tụng như lời sấm truyền về nơi con người tìm thấy lại địa đàng đã mất?
Đọc xong tất cả những di cảo ấy, có cảm giác như vừa xem lại một cuốn phim của Charles Chaplin: bật cười rồi chợt thấy mắt cay...Nếu không tin, bạn hãy thử đọc cùng tôi lời của một người từng gặp nhiều khổ đau mất mát (vợ mất, nhà cháy, mắc bệnh nan y...) nhưng chưa có lúc nào ngừng yêu thương cuộc đời:
Hỏi: Bình sinh mi yêu thương ai nhất?
Đáp: Tao yêu thương nhất là những cô gái giang hồ.
Hỏi: Vì sao như vậy?
Đáp: Hà tất phải hỏi vì sao.
Hỏi: Vì sao không phải hỏi?
Đáp: Vì bởi từ lâu những đứa như Nguyễn Du, Đỗ Mục, Gerard de Nerval...đã đưa ra lời giải đáp quá sức thỏa đáng rồi.
Hỏi: Đồng ý. Thế thì bây giờ tao xin hỏi tiếp: Mày yêu nhất là gái giang hồ, còn yêu thứ nhì- đệ nhị yêu đương- thì mày yêu ai?
Đáp: Đệ nhị yêu đương tao yêu vu vơ những đàn bà tình cờ gặp gỡ ngoài đường- thường là những phụ nữ da dẻ đen thui, ngồi im lìm bên vệ đường bán mua cái gì chẳng rõ.
Hỏi: Vì sao mi yêu chúng nó?
Đáp: Vì tao biết tâm hồn họ mênh mông.
Hỏi: Mênh mông như thế nào nói nghe chút ít thử.
Đáp: Đại khái như thế này: Khi thấy tao đi ngang qua họ hỏi tao: “Ông già đi đâu đó? Ông có đói không?”. Tao hỏi lại: “Cô hỏi như thế làm gì?”. Cô ta đáp: “Nếu ông đói thì con cho ông ăn chút ít. Con bán xôi, bán cơm tấm- bán bún riêu- bán bánh bèo- bán xoài chuối- ông thích ăn thứ gì?”...


Chủ nhân của ngôi nhà đang lưu giữ 17 tập di cảo này là một nhà quay phim-biên kịch-đạo diễn kỳ cựu. Ông sinh năm 1930 tại Hải Dương, năm 1956 học lớp biên kịch khóa 1 trường Điện ảnh Sài Gòn, từ 1960 sang Nhật tu nghiệp nghề đạo diễn trong hãng phim Dei Ei của Kurosawa, sau đó về nước làm một số phim ngắn chủ yếu là phim thời sự, làm diễn viên đóng vai Hamlet trong kịch W. Shakespeare, đóng Thành Cát Tư Hãn trong kịch Vi Huyền Đắc, là người có công phát hiện các kịch sĩ Trần Quang, Tâm Phan...Năm 1973, ông có chân trong đoàn quay phim của chính quyền Sài Gòn ghi hình hội nghị Paris. Năm 1975, khi vợ chồng ông từ Pháp về, căn nhà họ ngụ tại Xóm Gà này còn trơ trọi giữa bãi tha ma, nhưng họ vẫn trụ lại nơi đây với niềm tin vào cuộc sống mới...Sau đó ông công tác tại Hãng phim Giải phóng cho đến lúc nghỉ già, từng cộng tác làm nhiều phim được trao giải Bông sen bạc, từng dự liên hoan phim quốc tế tại CHDC Đức, Hà Lan.... Tài năng nhưng bất đắc chí, cũng bởi hai chữ mà nhà biên kịch Nguyễn Hồ dùng để gói gọn tính cách ông Trác trước khi đưa tôi đến giới thiệu với ông: “tiết tháo”. Nay cuối đời, sổ hưu không có, bảo hiểm các thứ càng không, nhưng tính khí xưa của những ngày ông cám cảnh mà dắt về một người điên làm khổ vợ con thì vẫn nguyên vẹn.
Ông Trác rất miễn cưỡng khi trao cho chúng tôi 17 cuốn thơ Bùi Giáng, dẫu biết nó là tài sản chung của công chúng yêu thơ, như món quà muộn mà bảy năm sau khi thi hào rời cõi người ta mới phát lộ. Bởi ông không muốn bất kỳ ai hiểu lầm chữ “duyên” mà ông tìm thấy cùng Bùi Giáng trong quán rượu Thọ Nguyên năm ấy. Ông cũng từ chối mọi cơ hội được đền bù cho công lao gìn giữ những tập di cảo quí giá kia trong hơn mười lăm năm.
Nhiều đêm, tôi lắng nghe tiếng gõ rao mì nay đã hỗn loạn vì cuộc mưu sinh thúc bách chứ không còn khoan thai đều đặn như nhịp phách ngày xưa trong tay những người đồng hương Quảng Nam của Bùi Giáng, rồi băn khoăn có phải thời đại của những con người không sống theo nhịp mưu sinh như thế đã vĩnh viễn qua đi.

Thứ Sáu, 21 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

HOA SEN GIẤY

                   Làng nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã  có một bước ngoặt, khi họa sĩ Thân Văn Huy xắn tay khôi phục nghề làm hoa giấy truyền thống, bên cạnh đó ông còn chế tác loại hoa sen giấy có cách tân màu hiện đại.
                   Từ năm 2006 đến nay sen giấy Thanh Tiên đã có thương hiệu, sản phẩm đã từng bước ra khỏi lũy tre làng, những năm sau này đã bước vào khoang máy bay ra Bắc vào Nam, và đã có mặt ở một số quốc gia có đông người Việt định cư.
                   Quan trọng hơn hết, nghề làm hoa giấy Thanh Tiên đã phát triển, thu hút một số đông dân cư học nghề và làm ra sản phẩm, tăng thêm thu nhập, cải thiện cuộc sống ở vùng quê đang vẫn làm nông là sinh cơ chính trong đời sống toàn cộng đồng.
                   Cầm trên tay búp sen giấy màu hồng, những người khách đã có nụ cười rất tươi, họ đã từ biệt người chăm lo cho làng nghề bằng một đôi mắt thân thiện và trân trọng.

GIẬN CHI LÂU RỨA? - TRẦN DZẠ LỮ

Giận chi lâu rứa em tề
Để anh chết đứng nơi quê quán…sầu ?
Tội tình con mắt dao cau
Chiều nghiêng, mi khép phai màu nắng xanh !
Đêm đêm anh đứng một mình
Ngu ngơ nhớ Phụng-Nghi-Đình có em…
Giận chi lâu rứa răng đành
Cõi anh hiu quạnh, cõi tình bơ vơ?
Tội tình con mắt em xưa
Nhớ ơi Phò Trạch chiều mưa ai về?
Chờ nhau tận phố cùng quê
Giận nhau chi nữa, hãy về với anh…

T D L
( SàiGòn tháng 3 năm 2011 )

Thứ Năm, 20 tháng 10, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

NGÀY PHỤ NỮ VIỆT NAM

                    Thành phố sáng nay ra đường thấy khác hơn thường ngày. Rất nhiều góc phố, ngả ba, ngả tư trưng bày rất nhiều hoa, rất nhiều loại hoa, rất nhiều sắc màu.
                    Mọi người vui và bầu trời cũng vui với mặt trời buổi sáng rạng rỡ sau một tuần mưa dầm, bão, lũ.
                    Tặng một món quà nhỏ trong ngày đặc biệt của phụ nữ để bày tỏ lòng ngưỡng mộ, hàm chứa một tình cảm rất không biết nói như thế nào nữa với họ. Những người đàn ông suốt ngày hôm nay đang bận rộn như rứa đó.
                    Đứng bên công viên bờ sông Hương xanh mướt lòng thấy an bình, hạnh phúc riêng mình.

                   Nếu trong cuộc sống này không có phụ nữ, hừ… hừ…, chắc chán lắm!!!

Thơ NGUYỄN TẤT NHIÊN

Ma Soeur
Đưa em về dưới mưa
Nói năng chi cũng thừa
Phất phơ đời sương gió
Hồn mình gần nhau chưa ?

Tay ta từng ngón tay
Vuốt lưng em tóc dài
Những trưa ngồi quán vắng
Chia nhau tình phôi phai
Xa nhau mà không hay
(Hỡi em cười vô tội
Đeo thánh giá huy hoàng
Hỡi ta nhiều sám hối
Tính nết vẫn hoang đàng)

Em hiền như "ma soeur"
Vết thương ta bốn mùa
Trái tim ta làm mủ
"Ma soeur" này "ma soeur"
Có dịu dàng ánh mắt ?
Có êm đềm cánh môi ?
Ru ta - người bệnh hoạn
Ru ta suốt cuộc đời
(Cuộc đời tên vô đạo
Vết thương hành liệt tim)

Đưa em về dưới mưa
Xe lăn đều lên dốc
Chở tình nhau mệt nhọc

Đưa em về dưới mưa
Áo dài sầu hai vạt
Khi chấm bùn lưa thưa ...

Đưa em về dưới mưa
Hỡi em còn nít nhỏ
Chuyện tình nào không xưa ?

Vai em tròn dưới mưa
Ướt bao nhiêu cũng vừa
Cũng chưa hơn tình rụng
Thấm linh hồn "ma soeur"
 (1971)
NGUYỄN TẤT NHIÊN