Thứ Tư, 19 tháng 10, 2011

TOMAS TRANSTROMER - GIẢI NOBEL 2011 CHO NGƯỜI QUÊ HƯƠNG




Gởi: anh NTH (Or. USA)

 Tuần đầu tháng 10-2011 Viện Hàn Lâm khoa học nghệ thuật Thụy Điển công bố tên Tomas Transtromer đoạt giải văn học thế giới (bộ môn thơ). Nhận được tin tức, sự kiện nầy các cơ quan truyền thông cũng như các tạp chí giấy và mạng loan tin về nhà thơ Thụy Điển (Sweden) trúng giải năm nay. Đọc qua bản tin như một tin tức thời sự ngắn gọn hay những bài thơ tượng trưng của ông, ngược lại không để lại cho chúng ta một ấn tượng sâu sắc về nhà thơ, qua mạch thơ cũng như  quá trình hoạt động của ông trước khi được thẩm xét của hội đồng giám định Viện-Hàn-Lâm. Việc trao giải là một đánh giá cao, chủ yếu của  Nobel là trao tặng những giá trị đóng góp có tính cách phụng sự nền hòa bình thế giới trong mọi lãnh vực, có lợi cho con người về thực chất cũng như tinh thần và mang một ý nghĩa lớn lao dành cho tình yêu và tình người giữa mọi sắc tộc của mỗi quốc gia mà những đặc điểm đó đều có lợi ích chung.
Không dựa trên một khuynh hướng hay một hành động nào khác hơn để trao giải. Nobel  chỉ trao tặng cho cá nhân nào cống hiến lớn lao cho nhân loại.
Nobel (1833-1896) là một nhà hóa học, kiêm kỹ sư và người đã tìm ra chất nổ cực mạnh. Nhờ tài năng khám phá đó cũng như hợp đồng với các nước khác để xây dựng các nhà máy chế biến chất nổ. Trong di chúc ông để lại, tài sản cũng như các cổ phần; dành lợi tức đó cho việc trao giải thưởng. Giải được trao gồm có 5 môn: vật lý, hóa học, sinh lý học, y học, văn học; đặc biệt giải hòa bình được coi là cao qúy nhất. Về sau (1969) lập thêm giải kinh tế. Từ đó có tên gọi giải Nobel. Giải bắt đầu được trao vào năm 1901. Thường niên vào đầu tuần tháng 10 (Oct) thì công bố kết quả. Năm nay giải văn chương lại lọt vào tay người bản xứ. Sau hơn 30 năm, nay trở về nguồn như một thứ ngôn ngữ riêng của họ đối với những sắc dân (Nordic countries) Bắc Âu quanh vùng. Tác phẩm thơ của Tomas Transtromer có tính siêu thực, lời thơ như khám phá qua từng mảng lóng lánh của tia sáng mặt trời (insolation / coup de soleil) và những thâm cung trí tuệ của con người (The human mind). Transtromer được ngợi ca như bản hùng ca (epic) của những dân tộc Bắc Âu (Scandinavian) mà cả thời gian mong đợi ‘chiến thắng’ nay đã trở về kể từ sau thế chiến II.
Thơ của Tomas Transtromer là những giòng thơ tiếp cận với đời - một hình ảnh đầy năng lực, kiên cố vững chắc, một diễn tả hết sức tượng hình và ẩn dụ.


Thơ của Transtromer phản ảnh rõ ràng cái ước ao trở thành người khám phá, ước ao là con dân của đất nước mình, được gióng lên tiếng quê hương mà từ lâu rất hiếm có với lòng thực thà và phong phú hơn bao giờ. Đó là những câu thơ ngẫu hợp trong tập thơ “17 Bài Thơ”  (17 poems) phát hành vào năm 1954. Tập thơ đầu đời của Transtromer.
Trong tập ’17 Bài Thơ’ có bài “Năm Đoạn Thơ dành cho Thoreau” (Five Stanza to Thoreau) đọc lại xem:

                                          Một lần xa chốn kinh kỳ
                       chuông reo đá chết gầy mòn . rành rành là muối mặn
                                       chìm sâu vào dòng nước chảy
                                             mấy cái đầu dấy loạn            
                                                                 (võcôngliêm phỏng dịch)
                                   

                                   One more has fled the heavy city
                        its ring of starved stones. Clear and salty are
                                            the waters that immerse
                                                  rebels’ heads
                                                (May Swenson chuyển dịch Anh ngữ)

Qua bài thơ trên cho ta hình dung ra được ít nhiều hình ảnh trừu tượng nhưng chứa đựng một sự phản kháng vô cùng, mang một tâm ý chống đối dưới hình thức nhân cách hóa sự vật, một chua xót mặn đắng mà con người chìm vào nỗi đau, những hình tượng đó như để lại cho người đọc cảm được thế nào của tính thơ và cho thấy nỗi xót xa như chính Transtromer xót xa vậy.
Nguồn thơ của Tomas Transtromer thường bất chợt trở về trong cõi lặng ở giữa lúc thế giới đang ngủ yên. Đôi khi điều bất chợt đó chính là lúc đưa tới sự  tĩnh lặng như vắng lặng của vựa lúa hay hàng cây đứng im, và cây kim găm rơi xuống thoáng nhanh như tuột khỏi tầm tay; đó là những động tác xẩy ra, xẩy ra trong sự lắng đọng của Transtromer. Trong bài thơ “Dấu Tích” ( Track) 1954. Được Bly chuyển dịch sang Anh ngữ dưới đây:

                                   Bổn phận canh chừng: tôi ở nơi đâu
                                      Cho dù ta có uy nghi và khờ dại
                                nhiệm vụ: tôi vẫn còn đứng gác nơi nầy
                                  ở đâu rồi cũng tạo được việc mà thôi.
                                                         (VCL phỏng dịch)

                                            Task: to be where I am
                               Even when I’m in this solemn and absurd
                                            role: I am still the place
                                       where creation works on itself.

Transtromer là nhà thơ bình thường không quá lý tưởng vấn đề, ông tỏ ra phớt lờ những gì đối với thế gian, chế ra những phong cảnh không thực xung quanh đời ông và chính cái đó đưa tới cho ông làm nên những vần thơ tự nhiên hơn.


Cảnh vật của Tomas Transtromer được chứa đựng trong một hệ thống máy móc, những xí nghiệp đầy đủ hay những chiếc xe rỉ rét phế thải; điều đó không có tính cách chế nhạo hay đối kháng nhưng những thứ đó xẩy ra đầy rẫy trong đời sống hằng ngày của thế giới hôm nay. Ông muốn quét sạch những tàn tích  và mọi sự được công bằng hợp lý hơn, không đắn đo chọn lựa mà đến bằng tấm lòng chân. Ông đã diễn tả qua bài thơ “Công Việc Ở Ngoại Thành” (On the Outskirts of Work) như sau:
                                               giữa việc làm
        chúng ta chỉ mong sao thứ hung bạo đó dành cho đám cỏ hoang,
                  chính tự nó là Hoang Vu , mới thấu vào lòng người
                bởi khai hóa mong manh của đường giây truyền thông.
                                                                   (VCL phỏng dịch)

                                                in the middle of work
                                 we start longing fiercely for wild greenery,
                                   for the Wilderness itself, penetrated only
                                 by the thin civilization of the telephone wires.
                                   (Robin Fulton chuyển dịch Anh ngữ)

Dù ở đâu; thành thị hay nông thôn vẫn cho Transtromer thấy những cái chướng tai gai mắt (jarring) những thứ đó là chuỗi liên đới gần kề, đó là sự ‘Hoang Vắng’ mà hầu như thường xảy đến trong ta. Cái hoang vắng bỏ lại ở cuối sân vườn hoặc bên bờ dậu của người hàng xóm, khoảng trống đó là ngăn cách giữa ngủ và thức, tác giả cho rằng trạng thái đó là trạng thái mê và tĩnh giữa sống và chết (as liminal as those between asleep and awake or between life and death…)
Trạng thái nầy được Transtromer diễn tả qua bài thơ;  “Hoang Vắng” (Solitude)1966 như sau:

                         Cảm giác đó nếu như ta nhận được một cách dể dàng
                                           với một ít bướng bỉnh
                                               trước khi tan tành.
                                                                          (VCL phỏng dịch)

                                                It felt as if you could just take it easy
                                                                  and loaf a bit
                                                          before the smash came.
                                                          (Bly chuyển sang Anh ngữ)
Bài thơ trên Transtromer vận dụng ngôn ngữ thường dùng của dân bản xứ, đọc lên nghe có cái gì ngộ nghĩnh của sắc dân Thụy Điển : ‘một chút gì đó trong cái bướng bỉnh ăn nói / and loaf a bit’ làm cho bài thơ đọc lên nghe vừa vui, vừa dịu dàng, cái khéo léo cách dụng văn của Tomas Transtromer là ở chỗ đó. Đọc thơ của Tomas là khám phá và chính sự đó là lòng ao ước được làm người khám phá để sống còn và vượt qua những lằn biên giữa cuộc đời và mọi sự khác; tất cả những thứ ấy chứa đựng trong thơ của Tomas Transtromer.
Tomas Transtromer wanted to grow up to be an explorer, and he’s done so : a surveyor of quiet frontiers, of the brief, daily border crossings between one possible life and another.


Trong loạt những bài thơ của Transtromer làm từ trước hay những năm gần đây đều có một giá trị chung. Đáng kể hai tập thơ nổi bật nhất của ông lá “Cửa Sổ và Hòn Đá” (Windows and Stones)1996 và “Niềm Bí Ẩn Lớn” ( The Great Enigma / Den Stora Gatan) 2004.
Đi tìm cái tuyệt đối đó. Đọc những bài thơ được chuyển ngữ sang tiếng Việt trong 2 tập thơ trên:

                                   THÁNG TƯ và SỰ TĨNH MỊCH

                                         Mùa xuân nằm hiu quạnh
                                             Con mươn tối mượt
                                trườn cạnh mình chẳng phản chiếu thứ gì.
                                        Tất cả những vật tỏa sáng
                                             là mấy đóa hoa vàng.
                                          Mình thu vào bóng mình
                                    

                                   như cậy vĩ cầm trong cái hộp đàn đen.
                                          Điều duy nhất mình muốn nói
                                                 lấp lánh ngoài tầm với
                                                giống mấy thứ bàng bạc
                                                 trong một tiệm cầm đồ.

    (Trong tập: Nỗi Buồn Cáp Treo/The Sorrow Gondola/Sorgegondolen)
            Bắc Phong chuyển ngữ (Thư Viện Sáng Tạo. 8/Oct/2011)

                                             KỂ TỪ THÁNG BA 79

                         Mỏi mệt vì hết thảy những kẻ tới với những chữ
                            Những chữ chứ không phải một ngôn ngử
                                   Tôi đã ra một hòn đảo tuyết phủ
                                      Nơi hoang dã không có chữ
                                 Những trang trắng mở ra khắp phía!
                     Tôi bắt gặp dấu vết những móng chân hoãng trên tuyết
                                Ngôn ngữ chứ không phải những chữ.

(trongtập:PhốChợHoangDã 1983 Diễm Châu chuyển ngữ. Tạp chí Nhà Văn 7/Oct/2011
Đọc qua hai bài thơ chuyển dịch, dù khéo léo hay vận dụng khả năng  để hoán triệt linh hồn bài thơ, ít nhiều cũng cho chúng ta một cảm nhận hồn nhiên, trong sáng, gợi hình và dịu dàng dù là siêu hình hay trừu tượng vẫn để lại cái lấp lánh,  bàng bạc nhờ vào cách dụng văn của Tomas Transtromer, cái thứ ngôn ngữ riêng tư bây giờ biến dạng dưới một ngôn ngữ chung không còn biên giới của ngôn ngữ. Người dịch tài tình chuyển ngữ thành những câu thơ lãng mạn ‘Mùa xuân nằm hiu quạnh’ cho ta thấy một mùa xuân cô quạnh nơi ta ở bằng một hình ảnh chán chường ‘con mươn tối mượt’ u ám nhưng thiết tha vô cùng.
‘Những chữ chứ không phải một ngôn ngữ… Ngôn ngữ chứ không phải những chữ’ Câu thơ như nhấn mạnh, như nhắc nhở của sự hiện hữu Có và Không hoặc Nhiều hay Ít. Tưởng là ẩn ngữ, nhưng không; Tomas đã mở rộng một luồng không khí mới trong thơ, yên ắm nhưng sống động. Thật tài tình cho một nhà thơ như Tomas Transtromer. Cho dù dịch sát hay thoáng, dịch thơ không đòi hỏi phải thật đúng ‘con chữ’; mà ở đây là một sự hoà nhập giữa ngôn ngữ với ngôn ngữ, không riêng gì người ‘nội điạ’ mà ngay cả người ngoại biên cũng cảm nhận những phút giây xuất thần đó. Thơ nó có một quyền hạn và siêu lý của nó. Cho nên người dịch thơ đã vận dụng trí tuệ để đi vào thơ! Một sự thỏa hiệp vô hình giữa người làm thơ và người dịch thơ. Đúng thế! Xin hiểu cho.

Sau 37 năm Tomas Transtromer là người Thụy Điển thứ 3 được giải Nobel (1974 giải được chia cho 2 nhà văn Eyvind Olaf Verner Johnson và Harry Martinson) được gọi là giải cho người quê hương. Điều nầy không mấy ngạc nhiên cho những dân tộc Bắc Âu, bởi phần lớn thơ của Tomas Transtromer phổ biến rộng rãi đối với họ và với người Thụy Điển thì họ xem như hẳn nhiên phải đến. Transtromer là nhà thơ của thế giới. Tác phẩm của ông đã dịch ra 60 thứ tiếng khác nhau. Một kiêu hảnh khác; giải văn chương Nobel  thường đến với văn xuôi nhiều hơn là Thơ. Cho nên thơ được giải là một hiếm có cho tới bây giờ. Thơ Transtromer thuộc thể loại siêu hình, trừu tượng và ẩn dụ nhưng không phải vì thế mà đưa thơ vào ngõ cụt của thi ca; tuy nhiên vẫn giữ được tính khiêm ái, trung thực qua từng chữ, từng câu thơ. Sở dĩ ông thu hút được người đọc vì cái sự lạ lùng của ngôn từ mà ông xử dụng, nhưng vẫn hài hòa qua những tiết điệu khác nhau trong thi tứ trừu tượng và ẩn dụ của Transtromer.
Việc chọn lựa của Viện Hàn Lâm Khoa Học Nghệ Thuật Thụy Điển là một cái nhìn sâu rộng về sự nghiệp văn chương  cũng như quá trình hoạt động xã hội. Ông đã cống hiến trọn vẹn đời ông cho đất nước Thụy Điển cũng như sự cảm thông giữa người với người, nhất là những đất nước lân bang Bắc Âu. Những bài thơ của ông như lời tha thiết dịu dàng , cảnh trí thiên nhiên trong thơ như lời nhắn nhủ giữa con người và đất nước của họ nên gần gũi bên nhau.
Hội đồng giải Nobel nói: “Xuyên qua quá trình hoạt động của nhà thơ, tất cả  được cô đọng, mạch lạc, những hình ảnh mờ ảo mà ông đã cho chúng ta tiếp cận những gì tươi mát để đi tới hiện thực “
(The Nobel committee said that : ‘through his condensed, translucent images, he gives us fresh access to reality’).
Mats Soderlund; giám đốc  nghiệp đoàn nhà văn Thụy Điển nói: “ Những bài thơ rất ngọt ngào, tế nhị, không có gì gọi là làm dáng cả” (It’s a very subtle poetry, no big gestures )
Qua những luận cứ như thế cũng đủ cho ta thấy được phần nào giá trị dành cho một nhà thơ lỗi lược của đầu thế kỷ nầy. Sự chọn lựa là một thể hiện đúng đắn và không ngoài mục đích của những người trao giải từ hơn cả niên kỷ qua.
Transtromer chưa hẳn là nhà thơ nổi tiếng toàn cầu, ngoại trừ những dân tộc Bắc Âu hay một vài nơi cận quốc, song le đối với văn học Việt Nam Tomas Transtromer đã hiện diện trong tủ sách quốc gia qua những năm 1990 và đến năm 2000 NXB Văn Học cho in toàn tập, nhưng chẳng mấy ai biết đến tên tuổi của Transtromer. Hình như số người yêu thơ nước ngoài chưa rộng mở.
Đến khi công bố giải Nobel văn chương năm 2011, thì hầu như tên tuổi ông bùng lên một ánh sáng chiếu rọi khắp năm châu và được nhắc nhở nhiều nhất,


kể cả những độc giả chưa một lần nghe đến tên ông. Thơ văn của Tomas Transtromer đã lên khuôn cho kịp ngày ‘thăng hoa tiến chức’ tại cung điện Stockholm vào tháng 12/ 2011. Nhân dân Thụy Điển tự hào về phần thưởng đáng giá nầy cho dân tộc họ nói riêng và các nước cận bang cũng như thế giới.
Tomas Transtromer nay đã 80 tuổi, ngồi trên ghế xe lăn hơn hai thập niên qua bởi chứng đột qụi (tai biến mạch máu não / stroke).
Tomas Transtromer sanh ngày: 15 tháng 4 năm 1931 tại Stockholm. Cha là nhà báo. Mẹ là giáo viên. Ông tốt nghiệp triết học và cử nhân nghệ thuật 1956 tại Đại học Stockholm. Ông là chuyên viên tâm lý, làm việc với những thanh niên phạm pháp và người khuyết tật. Ông có một vợ và 2 con gái sống ở thành phố Stockholm. Thụy Điển. Những tác phẩm của ông đang tái xuất bản với số lớn.

    Khi được tin ông trúng giải, báo chí đã mở cuộc phỏng vấn ngay sau đó nơi ông cư ngụ. Đưa ra nhiều câu hỏi nhưng Transtromer cúi đầu mỉm cười, không nói thành tiếng. Nụ cười của ông không phải hân hoan với phần thưởng $1.5 triệu US. Ông hân hoan vì giờ đây dân tộc Thụy Điển và thế giới thừa nhận công nghiệp của ông và vinh danh ông. Transtromer mãn nguyện để nhắm mắt cho một thành tựu vĩ đại mà ông đã dâng hiến cho nhân loại. Ông vẫn ngồi trên bánh xe lăn để lặng ngắm và suy tư cuộc đời với gương mặt buồn của thời gian.

VÕ CÔNG LIÊM (ca.ab. 12/10/2011)
http://www.minnpost.com

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét