Thứ Ba, 18 tháng 10, 2011

NGƯỜI NỮ TRONG NHẠC TRỊNH CÔNG SƠN

Sau khi anh đi bỏ lại con đường, nhiều người đã nói tới những người nữ mà theo họ là người tình của anh. Một cô con gái yêu của người thầy dạy tiếng Pháp. Một nữ giáo sinh ở sư phạm Qui Nhơn. Một ca sĩ thời danh mà anh viết tặng Ướt Mi. Một người đã có chồng hai con ở Blao.Sau này còn có cả nột nữ doanh nhân thành đạt. Đó là chưa kể đã hai lần, để làm vui lòng mẹ, anh suýt nữa đã lên xe hoa. Có người còn ồn ào tự cho mình là người tình cuối! Nói chung, ai cũng muốn tìm ra một Mộng Cầm hay T.T.KH, những người nữ đã để lại bóng hình khá lộng lẫy trong văn chương Việt.
Nhưng, nhà văn Sâm Thương, bạn thân anh, lại bảo chẳng có người phụ nữ nào in đậm bóng hình lên cuộc đời anh. Tôi cũng tin như vậy mặc dù ai cũng bảo còn Diễm đó. Diễm là ai mà anh gọi thiết tha đến thế trong những cơn mưa trên tầng tháp cổ hay trong những căn gác đìu hiu chiều chủ nhật buồn? Theo tôi Diễm không là ai cả. Diễm là Đẹp, là Nhan Sắc như Nguyên Sa đã từng gọi.
Đã là nghệ sĩ, đương nhiên anh yêu cái Đẹp. (Yêu cái Đẹp chứ không phải gái đẹp). Một người nữ chân dài với ba vòng có số đo tuyệt hảo chưa chắc đã là người Đẹp dưới mắt nhìn của anh.
Người nữ của anh trước hết phải là một người con gái Việt
 Nam da vàng yêu quê hương như yêu đồng lúa chín. Anh yêu tóc em từng sợi nhỏ nhưng không phải tóc vàng như Cung Trầm Tưởng. Lại càng không phải là gái Phù Tang dù có người đã từng lặn lội sang tìm anh, học tiếng Việt, làm luận án về anh và được trao bằng tiến sĩ.
Nàng đứng bên trời tự do, yêu đời thiết tha, luôn cười đâu đó trong lòng phố xá đông vui. Nàng đi lễ chùa, lễ nhà thờ, qua công viên, với tà áo rộng, với hài nhung gấm, thanh thoát đài trang nhưng không quá kiêu kỳ. Nàng chỉ cười mà không nói, chỉ ngồi hát khi mây bay ngang trời. Nàng muời sáu tuổi với môi hồng đào, tay măng trôi trên vùng tóc dài. Nàng rất gần mà cũng rất xa, rất thực mà cũng rất kỳ ảo. Nàng rất bình thường nhưng không tầm thường. Một người như thế sẽ được Bùi Giáng thốt lên:
Em ơi em đẹp vô củng
Vì em có cái lạ lùng bên trong.
Cái lạ lùng bên trong là cái Đẹp, chỉ có những nghệ sĩ sâu sắc như anh hay thi sĩ họ Bùi mới cảm nhận được. Cái Đẹp của hồn thơm cây trái của môi hôn lần đầu, của một chiều kia có em buồn buồn. Cái đẹp thay màu rất chậm, đến nỗi:
Một ngàn năm trước(...) môi em hồng nhạt
Một ngàn năm sau môi em hồng vừa.
Cái Đẹp gần như ngừng lại, hay anh muốn chậm lại. Vì sao? Vì tôi cần thấy em yêu đời, yêu hoài. Hãy nghe anh nói:
Tôi xin làm chút gió
Mát thêm những bờ vai
Tôi xin làm hôm nay
Cho đời em trẻ mãi
Tôi xin làm mây êm
Trôi vào trang nhật ký
Hay tôi làm mực hồng
Chờ em giữa trang thư.
Như thế, anh mãi mãi là người tình của tuổi học trò, của Tuổi Trẻ, không chỉ một thời mà của nhiều thời, không chỉ hôm nay mà của cả ngàn sau.
Môi em cho ta một cánh hồng
Lụa là phút ấy chưa quên.
Một cuộc tình nhỏ bé, bên đôi môi hồng đào thì không có chi là ồn ào, không có chi là đớn đau dù có hơi xót xa, dù có hôn nhau lần đầu cũng là hôn nhau lầ cuối. Cho dù anh bảo
Em phụ tôi một thời bé dại
Thơ dại ra đi không nhớ gì tôi
Phụ, là cách nói để tiếc thương cho tuổi trẻ đã qua hay đã mất. Mười năm xưa nàng đứng bên bờ dậu khiến lòng anh như khăn mới thêu. Nhưng chỉ mười năm sau, nhìn nhau ôi cũng như mọi người, nên lòng anh buồnnhư nắng qua đèo.
Từng người tình bỏ ta đi như những giòng sông nhỏ.
Buồn nhưng không thể không để sông về với biển, không thể không để các nàng đi về nơi bế bồng. Họ không thể không lớn lên, không thể không lấy chồng, đẻ con.
Thuyền nào đã chở mất thuyền quyên
Với những thuyền bườm lớp lớp ra sông
Xin có lời mừng giữa chén rượu nồng
Phải vậy thôi. Phải rất đàn ông, từ bi, độ lượng. Xin có lời mừng. Không đau đớn tiếc thương đến nỗi phải gào lên như Vũ Hoàng Chương "Tố của Hoàng nay Tố của ai!". Hay như Phạm Duy đắm đuối quằn quại "ngày nhà em pháo nổ, anh cuộn mình trong chăn, như con sâu làm tổ trong trái vải cô đơn, tâm hồn anh nhuốm máu, ôi nhấp chén hư vô"
Yêu em lòng chợt từ bi bất ngờ. Rất bình yên tự tại, bỡi vì còn rất nhiều em bên đời, tuổi mười sáu như mưa vẫn tiếp nối làm đầy nhiều con sông nhỏ khác. Và đời anh vẫn bốn mùa thay lá, vẫn nhớ em và nằm mộng suốt đêm trong thiên đường.

ĐÓA HOA VÔ THƯỜNG

Đây là bản nhạc lạ thường nhất của anh. Ai cũng bảo anh yêu một nữ tu. Có một vidéo, người ta dàn dựng người nhạc sĩ vội vã chở chiếc chuông đi như chạy trốn một cách phản cảm. Theo tôi đây là một bản tụng ca Đức Phật, có thể là Phật Quan Âm.
Người nữ ở đây không mười sáu tuổi, không một chiều kia có em buồn  buồn, không cười đâu đó trong phố xá đông vui. Một người mà anh đã đi tìm trong xa gần đất trời rộn ràng, trong sương hồng, trong chiều bạc mệnh, tìm trong đàn chim ngậm hạt sương bay. Tìm ngày tìm đêm, bền bĩ một cách lạ thường không bao giờ tuyệt vọng.
Và anh đã gặp một người mình hạc xương mai, với nụ cười mong manh. Nàng tinh khiết như cội nguồn nguyên thủy, nàng ngát hương giữa đôi giòng kinh.
Nàng là Đạo, hay Đạo được anh hoá thân thành Nàng cho gần với Đời. Và nàng tắm gội dưới mưa bốn bề toả ngát hương trầm. Nàng dạy dỗ anh, tan chảy trong anh. Đạo thấm vào anh, gần gũi đến nỗi có tôi trong dáng em ngồi trước sân. Từ đó hoa là em, một sớm kia rất hồng, nở hết trong hoàng hôn. Nhờ có kinh đắp bồi, nên từ đó anh là đêm nở đóa hoa vô thường.
Khi cái Đẹp lên ngôi (lời kinh là những cái Đẹp) thì sự phụng thờ của anh, một nghệ sĩ suốt đời đi tìm và tôn thờ cái Đẹp, cuộc trùng phùng chỉ là một tất yếu.

NGƯỜI NỮ ĐẦU TIÊN VÀ NGƯỜI NỮ CUỐI CÙNG

Đó là người đã mang anh đầy bụng. Người đã ru anh từ tiếng khóc ban đầu, ru anh qua cả cuộc đời, và ru anh cho đến lúc bạc đầu. Người ấy đã ru anh với tiếng hát trên trời để anh đượcngủ trên mây.
Người nữ đó không ai khác hơn là Mẹ. 

Người anh chịu ơn đầu tiên và chịu ơn cuối cùng. Người dù đã đi về nơi cuối trời vẫn chờ anh để ru anh hoài ru mãi ngàn năm.

NGƯỜI NỮ CAO CẢ VÀ VĨ ĐẠI

Đó là mẹ của những em bé loã lồ khóc tuổi thơ đi. Mẹ cùa những đứa con hai mươi năm đã lớn ra ngoài chiến trường, những đứa con cùng cha vẫn không quên hận thù. Đó còn là người đàn bà hoá điên khi vỗ tay reo mừng xác con, chảy dài giọt lệ ăn năn trong những đêm ngồi nghe đại bác dội về thành phố.
Đó là Mẹ của một nước Việt buồn.
Có thể kết một lời, trong văn học Việt
 Nam chưa có một tác giả nào yêu người nữ sâu sắc, tinh tế, từ ái và trân quý đến mức phụng thờ như Trịnh Công Sơn./.

KHUẤT ĐẨU

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét