Thứ Tư, 30 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

BÌNH ĐIỀN

             Vùng tái định cư mới sáu năm mà đã thấy cũ xì của những căn nhà thấp nóc,  cuộc sống đơn điệu với những sinh hoạt nhạt màu của người dân bán sơn địa. Đi qua để nhìn thấy một niềm hy vọng mới, xanh biếc màu xanh của điệp trùng rừng phòng hộ.
             Phải gấp hơn cho sự đổi thay đời sống để bắt nhịp với dòng chảy của toàn  xã hội, đó là ước mong của mỗi người đang hy vọng có được trong tương lai gần.
             Nghe câu chuyện kể của Thôn trưởng mà bùi ngùi, cám cảnh người và nghĩ đến phận mình.
             Tạm biệt Thôn trưởng với lời chia buồn đồng cảm. Và thầm chia buồn bản thân.
             Thời gian qua 9 năm.

TÌNH YÊU CỦA NGƯỜI CÓ TUỔI - HOÀNG LỘC

anh có tuổi rồi, lòng như con nít
khi không hờn hờn giận giận đâu đâu
chi cũng muốn nhiều mà em cho quá ít
lo cái không nên mà hoá bạc đầu ?

có những bài thơ viết khi nào không nhớ
lật ra dòm - bỗng thấy bóng em trong
có một loài hoa một đời chưa chịu nở
bỗng vì em mà phải nở rất buồn

anh có tuổi rồi, đường trường không bước nổi
đi một hồi - ngồi lại - ngó mây bay
mắt em xanh trong, màu trời vời vợi
cũng vì anh, đã một thuở ai hoài ?

ngày xế bóng bên đồi khô những lá
hành trang anh rơi rớt lại bên đường
mai mốt em qua đây khi rối bời tóc gió
chắc bồi hồi biết mấy những cành không...

HL

Thứ Ba, 29 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

RÀNG BUỘC

              Với tuổi hơn 95 mà vẫn nhận ra tiếng người để biết và gọi đúng tên theo thanh âm nghe được, chúng tôi thật thán phục. Bà cụ sống với gia đình em dâu trong căn nhà ba gian một chái của cha mẹ để lại, đơn bạc, cũ kỹ với liếp tre trét đất sét long tróc mốc thếch màu vôi bạc.
              Gia đình sống với niềm mong ước từ những lần về thăm viếng của người con trai độc nhất ở quá xa; vì cuộc sống nên mọi người cùng thỏa hiệp theo sự sắp xếp để gặp mặt, chăm sóc, và nói những điều không ăn nhập gì với hoàn cảnh nhưng nghe ra cũng ấm lòng cho mọi người.
              Thời gian thăm nom không nhiều nhặn gì vì đoạn đường xe lên về mất hơn hai tiếng đồng hồ, bạn bịn rin lắm, những người đi theo cũng không cầm lòng, nhưng vẫn phải để bà cụ lại với cuộc sống cô đơn tuổi già ở chốn quê.
              Khi chúng tôi rời đi chưa dứt lời chào, bà cụ trở mình xoay mặt vào vách với tiếng thở dài cam phận.

ĐÁM CƯỚI THI SĨ NGUYỄN ĐỨC SƠN - NGUYỄN MIÊN THẢO

Đám cưới Thi sĩ
NGUYỄN ĐỨC SƠN

Tình cờ tôi gặp nhà sư Nguyễn Đức Vân ở quán cà phê Bông Giấy ,vui miệng tôi bảo với sư thời trẻ tôi có thời gian sống vơi bố Nguyễn Đức Sơn hơn 1 năm ở chùa Tây Tạng Thủ Dầu Một-Bình Dương. Sư Vân nghe vậy chuyễn ngay cách xưng hô gọi tôi bằng chú và tôi vẫn gọi sư Vân bằng Thầy. Tôi kể cho Sư Vân nghe một số câu chuyện về bố anh thời trẻ, là những giai thoại có thật, trong đó có chuyện Đám cưới của bố mẹ anh: Thi sĩ Nguyễn Đức Sơn và chị Nguyễn thị Phượng.

Nguyễn Đức Sơn là một người đầy cá tính mà nếu không hiểu thì tưởng là …khó tính.Tính cách của ông khác người, luôn mâu thuẫn với chính mình.Tôi nghĩ sự ” va chạm “ nội tại đã đưa ông tới đỉnh điểm của sáng tạo trong tác phẩm của ông. Tâm địa ông thì rộng bao la nhưng hay… thù vặt; rất mê chủ nghĩa Cộng sản nhưng không ưa “cách mạng”, sẵn sàng chửi cả những người khen ngợi ông dù người khen rất thật tình và có nhân cách nhưng trong bụng Nguyễn Đức Sơn thì sướng rơn. Tôi ví dụ một câu chuyện nhỏ: Sau khi tập thơ Những Bài Tình Đầu ra đời, nhà văn Tam Ích, một nhà văn đứng đắn và nổi tiếng thời đó viết một bài phê bình khen thơ Nguyễn Đức Sơn hết lời. Nguyễn Đức Sơn viết một bức thư ngắn nhờ tôi đem về Sài Gòn trao tận tay nhà văn Tam Ích. Nội dung lá thư không phải là lời cám ơn mà vỏn vẹn một dòng chữ như sau : Bởi vì ông là nhà văn đứng đắn nên tôi không biết chửi ông như thế nào. Nhà văn Tam Ích nhận thư, không giận, lại viết thêm một bài ca ngợi N Đ Sơn là thiên tài, mặc dầu không nói ra nhưng tôi biết N Đ Sơn sướng trong bụng lắm. Sướng không phải vì được khen mà vì có cớ để chửi người khác.
Tôi kém N Đ Sơn 9 tuổi mà tính theo tuổi mụ năm nay tôi đã 64, quĩ thời gian sắp hết nên nảy ra ý định viết một số giai thoại độc đáo về N Đ Sơn mà tôi từng biết, có gì sai Sơn còn có thể bổ sung đính chính và còn kịp thời gian để …chửi. Nguyễn Đức Vân cũng khuyến khích :”Chú viết đi”

Tôi vào Sài Gòn khoảng giữa thập niên năm 1960, thuê một phòng trọ ở khu Nguyễn Thông nối dài gần ga xe lửa. Một hôm vào khoảng 9 giờ sáng, một người đàn ông khoảng 30, áo quần chỉnh tề, thắt cà vạt, tay ôm một chồng sách trên 20 cuốn đến gõ cửa phòng tìm tôi (sau này tôi mới biết khi nào đi đâu N Đ Sơn cũng thắt cà vạt vì trốn lính). Anh giới thiệu là Nguyễn Đức Sơn và hỏi tôi có phải là Tụng không (Tụng là tên tục của tôi mà chỉ những người thân mới biết), thì ra do Thái Ngọc San giới thiệu. N Đ Sơn hỏi sơ tình hình ăn ở của tôi và bảo: Cậu cầm mấy cuốn sách đem bán ăn cơm tạm, ít hôm nữa moa lên đón cậu về Bình Dương. Một tuần sau anh lên đón tôi thật. Thực ra tôi biết N Đ Sơn từ trước, chỉ là chưa gặp mặt.Tôi biết anh khi tờ MẶT ĐẤT do anh chủ trương ra đời và tôi có gửi thơ nhưng chưa được đăng. Nguyễn Đức Sơn sinh sống bằng nghề dạy Anh văn, đời sống rất đạm bạc bây giờ lại thêm một miệng ăn quả là vất vả. Nhà N Đ Sơn khá rộng, không phên vách, bốn bề lộng gió, nằm trên đường Thích Quảng Đức, cách chùa Tây Tạng khoảng 300 mét. Ngôi nhà vừa là phòng học, thư viện vừa là nơi ăn ở. Học trò học với Sơn khá đông, nhưng cuối khoá học chỉ còn vài ba em nên cả hai thường đói. Chỉ cần không trả lời đúng câu hỏi hoặc làm sai bài tập là bị đuổi và đặc biệt học sinh bị đuổi được …trả lui tiền học phí đã đóng trước đó. Thế mà khoá nào học trò cũng đăng ký học rất đông. Cơm chùa thì không thiếu, cửa chùa thì rộng mở nhưng N Đ Sơn cấm tiệt không ăn cơm chùa vì đang thời gian “tìm hiểu “ cô Phượng, cháu của Hoà thượng Thích Trì Bổn. Và thế là chúng tôi trở thành những kẻ ăn trộm bất đắc dĩ và bảo đảm không bao giờ bị bắt. Ngày nào hết gạo mà hết gạo hầu như thường xuyên, Sơn rủ tôi đi dạo vườn chùa, muc đích là xem vị trí của những quả bí đao, bí ngô để chờ tối rình mò đi làm đạo chích.Thực ra hái đôi ba trái ban ngày ban mặt chẳng ai nói gì nhưng Sơn thích vậy. Bí đao hoặc bí ngô cứ rửa sạch, gọt vỏ và nấu nhừ, bỏ một chút muối và xúc ăn bằng bánh tráng. Những hôm có chút tiền Sơn đi chợ và làm đôi món ăn rất ngon, phổ biến là món xúp xương heo hầm cà rốt, khoai tây.
Cuộc tình của Nguyễn Đức Sơn và cô học trò Nguyễn thị Phượng chín mùi khi nào thì quả tình tôi không hay biết. Một hôm vào khoảng giữa năm 1967, 1968 gì đó (tôi không nhớ chính xác), N Đ Sơn nhờ tôi lên báo với Thầy Thích Thanh Tuệ in gấp tập thơ Đêm Nguyệt Động để kịp ngày đám cưới. Và khoảng mươi ngày sau, đám cưới Nguyễn Đức Sơn –Nguyễn thị Phượng được tổ chức tại chùa Tây Tạng, Thủ Dầu Một-Bình Dương.
Từ sáng sớm, môt chiếc xe con 4 chỗ ngồi đỗ trước nhà Nguyễn Đức Sơn, Sơn trong bộ com lê màu sẫm sang trọng, đầu húi cua đã chờ sẵn đón những người trên xe bước xuống, đó là Đại đức Thích Thanh Tuệ, chủ Nhà xuất bản An Tiêm; Giáo sư, nhà văn Bửu Ý và Đại đức Thích Nguyên Tánh tức nhà thơ Phạm Công Thiện, Khoa trưởng Văn Khoa Đại học Vạn Hạnh. Khi biết tập thơ Đêm Nguyệt Động không in kịp ,N Đ Sơn chào đoàn nhà trai một câu chửi: “ Đ. mẹ…mẹ thầy, thầy có biết ngày này là ngày ngày trọng đại của tôi không? “Thầy Thanh Tuệ cười trừ còn mọi người đã biết N Đ Sơn là ai.
Đám cưới cử hành tại Đại điện chùa Tây Tạng,Thượng Toạ Thích Trì Bổn, trụ trì chùa, cậu ruột của cô dâu Nguyễn thị Phượng đại diện nhà gái vừa là chủ hôn (Phượng mồ côi cha mẹ ở với cậu từ nhỏ), Đại đức Thích Thanh Tuệ, đại diện nhà trai, Đại đức Thích Nguyên Tánh (Phạm Công Thiện) và nhà văn Bửu Ý phụ rể. Trong khi niệm hương lễ Phật,Thượng toạ Thích Trì Bổn và Đại đức Thích Thanh Tuệ quì phía trước, Sơn và Phượng quì phía sau, Sơn dùng miệng mum hết chân nhang, khi cắm nhang vào lư, ba cây nhang của Sơn lùn tịt, không giống ai. Khi qua làm lễ cáo tổ tiên, Sơn láy mắt với tôi, tôi nghĩ Sơn bày trò gì đây nhưng không đoán ra. Bàn dọn cỗ là loại bàn tròn bằng gỗ, mặt bàn rời đặt trên cái giá 4 chân hình chữ x, Sơn và Phượng quì trươc bàn cáo tổ tiên, lạy bốn lạy, Sơn lạy thêm một lạy, trồi người tới trước, khi đứng dậy, đầu đội vào cạnh bàn, cỗ bàn bị lật đổ không còn một món. Những người dự lễ cưới không ai không cười, trừ Bửu Ý.
Một tuần lễ sau đám cưới, tôi từ Sài Gòn về Bình Dương thăm vợ chồng Nguyễn Đức Sơn, vừa bước vào nhà tôi thấy Sơn cầm một con dao dí Phượng vào sát vách, Tôi kêu lên: Sơn, làm gì vậy? Sơn vứt dao, choàng vai tôi bước ra ngoài: moa muốn đo sự sợ hãi của Phượng như thế nào!
Từ dạo đó tôi không còn gặp Nguyễn Đức Sơn cho đến những ngày đầu tháng năm 1975, tôi gặp lại Sơn trong một ngôi chùa ở Gia Định .
Saigon 2009
NMT

Thứ Hai, 28 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

TUY GẦN MÀ XA, TUY XA MÀ GẦN

            Mỗi tuần có hai buổi tối gặp nhau trong tiếng cười hoan lạc của ký ức. Tự kiềm chế để không vỡ ra từng mảnh, không làm tấy lên vết thương vĩnh viễn rướm máu nỗi đau. Cũng đành cho những ngày mai của tha nhân an nhiên với cuộc sống.
            Luôn phải giữ như giữ hai con ngươi để được nhìn, được thấy...hạnh phúc E. Chịu đựng với lòng từ tâm của trái tim luôn khát khao nghe tiếng E cười. 
             Hãy không hiểu gì những dòng chữ này để đi cho trọn cuộc nhân sinh vậy.

Chủ Nhật, 27 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

HIỂU

       Tự nhiên có thói quen mỗi đêm chờ một cuộc điện thoại, không có chủ định, nói tất cả những điều gì nẩy mầm trong đầu. Cho nên được nghe và nói liên tục, thế mà cũng nhiều lần phải bị ngắt đi theo công nghệ thông tin cài đặt sẵn.
       Tinh thần thoải mái trao và nhận những tiếng cười rất vui, hiểu thấu và trân trọng. Thời gian trôi qua trong đêm thâu thật nhanh, những vị sao vẫn truyền tín hiệu bất tử trong không gian huyền ảo. Còn con người trên hành tinh xanh nầy thì quá hạn hữu. Thế mà vẫn có những người tự tiêu hoang cuộc sống quý giá trong lề thói của thời phong kiến.
       Thật uổng.

THÁC MÁU ĐỘC ĐÁO Ở NAM CỰC

Thác Máu độc đáo ở Nam Cực
Các cộng đồng vi khuẩn cổ độc đáo bên dưới sông băng Taylor đã hình thành nên một thác nước có màu đỏ kì lạ, được gọi là thác Máu.
Nam Cực thường gợi hình ảnh của màu trắng và xanh dương, nhưng lục địa băng giá này đôi khi có thể bị ảnh hưởng bởi màu sắc bất thường. Hơn một thế kỉ trước, khi nhà địa chất học Griffith Taylor lần đầu tiên khám phá Nam Cực, ông đã tìm thấy một vết màu đỏ kì lạ tràn ra từ mỏm sông băng trông như thác nước. Toàn bộ khu vực này gợi hình ảnh của một thác máu.
 
Nguồn gốc của thác Máu là một hồ nước mặn bị mắc kẹt dưới dòng sông băng khổng lồ xuất hiện ít nhất là 1,5 triệu năm trước. Không giống như các sông băng ở Nam Cực khác, Taylor không đóng băng hoàn toàn mà chỉ kết thành từng tảng lớn trên bề mặt. Bên dưới vẫn còn là nước, bởi vì vài triệu năm trước đây, thung lũng Taylor là vùng biển bao quanh giống như một vịnh hẹp.
Khi khí hậu thay đổi và biển rút lui, một hồ nước mặn đã chiếm thung lũng. Sắt có chứa muối từ nước biển đọng lại trong đáy hồ. Nhiệt độ của nước trong hồ là -5 độ C, nước rất mặn. Độ mặn gấp 2 đến 3 lần so với nước biển bình thường. Chính vì vậy mà nó không bao giờ đóng băng, nước chỉ có thể từ từ thẩm thấu vào băng khiến cho chúng có sắc đỏ đặc biệt. Thác Máu là một sông băng gỉ giàu chất sắt.
Tuy nhiên, thác Máu còn sở hữu một bí mật nữa, được các nhà khoa học đến từ đại học Harvard khám phá ra. Phải mất nhiều năm liền, họ mới lấy được một mẫu nước trong hồ dưới lòng sông băng Taylor này. Họ đã phát hiện ra toàn bộ thác Máu là một hệ sinh thái của vi khuẩn cổ bị mắc kẹt qua hàng thiên niên kỉ dưới lòng đất, mà không có các chất dinh dưỡng nuôi dưỡng chúng đến từ thế giới bên ngoài.
 
 Phân tích mẫu nước gồm có hóa chất và vi sinh vật, các nhà khoa học khẳng định đây là hệ sinh thái của vi khuẩn tự dưỡng hiếm có dưới bề mặt sông băng. Mẫu nước có ít nhất 17 loại vi khuẩn khác nhau và không có oxy. Nhưng chúng vẫn sống, vẫn tồn tại trong một môi trường khắc nghiệt với một nhiệt độ cực thấp và ánh sáng mặt trời cũng không thể xuyên qua cả một lớp băng dày nhiều tầng của dòng sông băng Taylor để chiếu ánh nắng xuống mặt hồ, nằm sâu 400 m bên dưới.
 Duy chỉ có chất sắt và các hợp chất lưu huỳnh là nguồn năng lượng cơ bản nuôi sống cộng đồng vi khuẩn cổ tồn tại qua hàng triệu năm nay. Nhưng một vết nứt ở sông băng khiến cho hồ nước ở dưới mặt băng chảy ra, tạo thành thác mà không làm ô nhiễm hệ sinh thái bên trong hồ.
Khi các nhà địa chất đầu tiên phát hiện ra thác nước tại sông băng Taylor ở thung lũng khô McMurdo trong năm 1911, họ nghĩ rằng màu đỏ của nước là do tảo sản sinh ra, nhưng bản chất thật sự của nó hóa ra là do sắt oxit gây ra ngoạn mục hơn nhiều so với tuyên đoán ban đầu.
Nơi này không bình thường cung cấp cho các nhà khoa học một cơ hội duy nhất để nghiên cứu cuộc sống bên dưới bề mặt sông băng Taylor, cuộc sống của vi sinh vật cổ đại trong điều kiện khắc nghiệt mà không cần phải khoan các lỗ khoan sâu trong chỏm băng vùng cực, với nguy cơ ô nhiễm liên quan đến môi trường mỏng manh xung quanh các tảng băng.
 Một số hình ảnh về thác Máu độc đáo
Theo BDVN

Thứ Bảy, 26 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

ĐI VỀ VÀ RA ĐI

                Những người bạn đi về thăm viếng, ngồi lại những nơi thường gặp nhau như cuộc hẹn hò thú vị, ngồi ở đâu cũng đòi cho được cận kề với dòng sông từ sáng, trưa, chiều đến tối, ngày tận cùng thì vất va vất vưởng bên xóm vắng xôn xao đến gần bình minh của ngày mới chịu lết về nhà. Chào thua!
                Tự hỏi sao không chia nhau như thể đi công tác một tuần mươi ngày, hết tên này đến tên kia cho mình luôn được lấp đầy khoảng trống thời gian.
                Họ đến như cơn bão, và rút đi như cơn lụt. Để lại cho mình nỗi hụt hẩn không tâm sự được với chính mình.
                Như vậy mà cũng vẫn mong đợi cuộc tương phùng.


VIỆT NAM HỒ SƠ HẬU CHIẾN 1975 - 2011 (KỲ 93) - CAO HUY KHANH

NHỮNG SỐ PHẬN KỲ LẠ
931 –
Ngô Thụy Miên
VƯỢT BIÊN CHO TRỌN CUỘC TÌNH
Nhạc sĩ Việt kiều Mỹ tên thật Ngô Quang Bình sinh 1948 tại Hải Phòng. Sống ở Mỹ (2011).
Di cư 1954 vào Nam, học ĐH Khoa học Sài Gòn đồng thời với trường Quốc gia Âm nhạc Sài Gòn.
Trong thời gian theo học nhạc có một cuộc tình đẹp với một bạn cùng trường con một diễn viên điện ảnh. Từ đó có cảm hứng bắt tay sáng tác nhạc với bài “Chiều nay không có em” 1963. Sau đó là một loạt ca khúc trữ tình trong đó nhiều bài phổ thơ Nguyên Sa thành công như “Áo lụa Hà Đông”, “Paris có gì lạ không em?”, “Niệm khúc cuối”…

Sau khi tốt nghiệp đại học ra làm nhân viên không lưu sân bay Tân Sơn Nhất. Lập ban nhạc trình diễn đài phát thanh.

Chuẩn bị làm đám cưới với người yêu trường nhạc thì xảy ra biến cố 30.4.1975 khiến người yêu theo gia đình di tản qua Mỹ bỏ lại mình kẹt ở Sài Gòn. Buồn nhớ tình xưa mới làm bài tưởng niệm “Em còn nhớ mùa xuân”.

Năm 1978 quyết định vượt biên để tìm người yêu. May mắn cập bến Malaysia rồi được nhận vào Canada.

Biết tin, người yêu vội từ Mỹ bay qua tái hợp. Năm 1979 hôn lễ mới chính thức cử hành rồi theo vợ chuyển qua định cư Mỹ.

Đi học làm chuyên viên vi tính làm việc tại Thủ đô Washington.

Và tiếp tục viết nhạc nay càng thêm cảm hứng hạnh phúc cuộc đời tình yêu cứu chuộc được trải qua bao gian nan trắc trở vạn dặm sơn khê, sáng tác hơn 50 ca khúc nữa (“Mưa trên cuộc tình tôi”, “Riêng một góc trời”…) như một lời cảm tạ cuộc đời ban cho cuộc tình trọn vẹn: “Tôi không viết nhạc để sống mà sống để viết nhạc”.

CAO HUY KHANH

Thứ Sáu, 25 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

NGÔI NHÀ ĐÃ CÓ E.

          Biết là vẫn có người luôn chờ tiếng bước chân lên cầu thang, trở thành vô vọng, khi sự tĩnh lặng đã nâng tiếng gõ của chiếc đồng hồ thành âm thanh đánh thức nỗi cô đơn tuyệt tận. Nhưng một đời người có được hòa trộn với một đời người dấu yêu thì không còn gì để ta thán, để uất nghẹn tình nhau.
          Ta ngồi bâng khuâng với thời gian có được từ E, thanh xuân E đã cho ta biết bao nhu mì từ mắt môi hạnh phúc và đau khổ.
          Đã qua một thời...

Thứ Năm, 24 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

PHONG THỦY


            Nếu nói học thuật về phong thủy là vô bổ thì như cưỡng cầu một ý niệm phản biện không thật thuyết phục. Phong thủy đã có bề dày quá khứ từ những người nghiên cứu sâu, và họ đã chứng minh được phong thủy là khoa học có từ thời cổ đại, và hiện nay vẫn đang phát triển.
           Giữ lấy để chứng nhận sự tồn tại những nền văn minh của nhân loại. Tất yếu hay không còn tùy vào nghiên cứu và ứng dụng.


TỪ KHÚC - NGUYỄN QUỐC THÁI


Em yêu dấu như đường gươm oan nghiệt
Chém lòng ta trăm mảnh tả tơi bay
Cà phê tím ly gầy thêm ngấn gió
Giữa cuộc tình em náo nức chia tay

À chia tay! Ta lui về cô tịch
Làm thơ tình loạn nhịp hát nghêu ngao
Bông nguyệt quế mùa trăng xưa ai nhớ
Tóc tơ người thơm ngát cõi ta đau

Chia tay ư! Tình sầu ta không trả
Ôm hết đời bay liệng nhớ thương em
Vết thương ấy em nô đùa hớn hở
Ta bạc đầu đau đớn vẫn chưa quen

NGUYỄN QUỐC THÁI

Thứ Tư, 23 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

NGỰ TRÙ

            Một người mà bất kỳ nói tới một món ăn nào thì ta sẽ được lên lớp, vì y đã gần như nắm bắt tất hết các kỹ thuật chế biến, đúng hay sai, chắc chắn là y biết rõ, nhưng y có biệt tài làm cho người ta phải phục, chưa phải tâm phục khẩu phục, nhưng theo cách giải về gia vị để thêm bớt trong khi nấu nướng thì y đúng là tay đầu bếp khá giỏi.
             Hỏi ai truyền nghề thì cười hô hố, đi ăn khắc biết nấu. Nhưng anh em bạn bè cũng biết xuất thân của y là từ gia đình quan huyện thời xưa, cho nên y mới có bí kíp ẩm thực để hù thiên hạ chơi.
             Y cũng có một lề thói khó ưa, chuyện gì cũng dẫn chứng nửa chừng rồi đánh trống lảng, người nghe chưng hửng nhưng cũng đành chịu. Muốn ăn một món mắm ngon mà y chả chịu chỉ chỗ bán, thì có nằn nì mấy cũng không lay chuyển nổi,
             Chịu thua vậy.

HUẾ GỌI TÔI VỀ - TRẦN HOÀI THƯ

Có một dòng sông mềm như giải lụa
Có hai ngôi trường như đôi tình nhân
Có một con đường mỗi ngày hai bận,
Anh theo em về qua bến qua sông.

Có một chiếc cầu bắc qua thành phố.
Thành phố mù sương,phố cổ mù sương.
Có anh tội tình như loài cổ thụ.
Em đậu trên cành làm anh bâng khuâng.

Có buổi trời mưa, trời mưa không ngớt,
Có em xăn quần bên đập chờ ghe,
Không biết nhìn lên hay là nhìn xuống,
Thôi thì quay về để khỏi u mê.

Có một ngôi nhà muốn vào không dám.
Có một nỗi buồn cứ bám chung thân.
Con sóc dại khờ gặm hoài trái đắng,
Còn anh dại khờ nên mới yêu em.

TRẦN HOÀI THƯ

Thứ Ba, 22 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

THIÊN NHÃ CA


                  Tình là gì!? Mưa nắng với đoạn đường dài hơn 40 km vẫn không chận được bước chân tìm về, vẫn không tác động đến nhịp đập hân hoan của trái tim đang thổn thức.
                  Yêu là gì!? Khuất tất đời người còn lại bao ngày tháng, rạng rỡ khuôn mặt Kiều Phong đến với A Châu, râu tóc tung rối với gió lộng biển khơi. Không bắt đầu, không kết thúc.
                   Vì tình yêu mạnh như cái chết.


NGÀY VỀ - THANH TRUNG

Em chọn lối vào đời nghề dạy học
Như khi xưa thầy quyết chí “luyện vàng”
Ba mươi năm đứng trên bục giảng
Tóc của thầy đã nhuốm trắng thời gian

Rồi một ngày kia em trở lại
Mái trường xưa cùng với những học trò
Cầm phấn kẻ đậm đề bài học
Lại bắt đầu với “đại cáo bình Ngô”

Chan chứa tình thương thầy gọi em:”Đồng nghiệp”
Mái đầu xanh bên tóc trắng bềnh bồng
Cô giáo trẻ ngượng ngùng , khép nép
Con vẫn dại khờ trong ánh mắt bao dung

Người trẻ, người già đưa nhau về lớp
Nắng mây xưa cũng dắt díu theo về
Chỗ thầy ngồi kia, chỗ em còn đó
Kí ức một vùng sương khói mờ che

THANH TRUNG

Thứ Hai, 21 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

ẤN TƯỢNG

          07 giờ 05 sáng nhận tin nhắn Thanks so much của một cô giáo mà từ lâu không liên lạc, may có ngày nhà giáo Việt Nam mới nối lại những trao đổi về năng khiếu mà cô không mặn mà lắm.
          Mình thì vẫn nghĩ đến sáng tác đã đọc, rất cố gắng thuyết phục để còn được đọc tiếp những tác phẫm sau nữa.
          Cuối cùng cũng nhận được lời hứa.



KHÔNG ANH NGÀY THỨ BẢY - HẠ NHIÊN THẢO

Thứ bảy không anh
Góc phố buồn ,cây muối cũ khô cành trút lá
Theo gió, chiếc lá u hoài mê mãi rơi

Dấu xưa trôi .. ánh mắt hao gầy
Dòng sông chảy ngược trong em
Còn gì trên bờ vai xanh xao
Còn gì trên đôi môi khô héo
Đắm chìm trong tình yêu cổ tích
Đắm chìm trong thánh địa nhớ nhung
Em ùa chạy như chiếc lá úa vàng trước gió

Đơn độc trong nỗi nhớ
Hoang vắng tràn trong tim
Muốn trốn thoát nhưng không thể
Ngày thật dài...
Sao cứ phải nhuộm cả hồn em
Và nhuộm đẫm bầu trời nhung nhớ
Ôi! tim quắt quay tím đến dại khờ
Sao em nghe như thể xác lìa xa
Sao em không thể ra ngoài nỗi nhớ

Chiều ơi xin chiều qua mau
Đêm ơi xin đừng ở lại
Một mình em trên phố vắng
Chơi vơi tìm hoài dấu cũ

Thắp hoài trong bóng đêm
Khuôn mặt anh, nụ cười anh
Day dứt một nỗi nhớ khôn nguôi

Em sẽ khóc
Nếu …

HẠ NHIÊN THẢO

Chủ Nhật, 20 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

NGÀY 20 THÁNG 11

          Hôm nay đã nhớ rất nhiều thầy cô giáo từ thuở khai tâm cho đến thời đại học. Chỉ nhớ thôi, vì còn rất rất it thầy cô để được gặp. Tưởng nhớ để hoài niệm và tri ân.
          Thời chừ các thầy cô thoải mái hơn, hoa ngát hương và những nụ cười hồng thắm đượm hạnh phúc.
          Cũng ngày nầy, lên nhà Nguyễn Xuân Hoàng để thắp cho em một nén nhang, hoài vọng một khoảng thời gian ngắn hai anh em sống đã hết tất cho nhau. Cùng gặp những người bạn thương quý Hoàng uống cạn chén rượu ân tình.
          Và em nữa, nụ cười thật hân hoan trong làn mưa bấc và chút se lạnh buổi sơ Đông.

MƯA HUẾ…HUẾ MƯA - TRẦN KIÊU BẠC

Huế như dài ra theo cơn mưa
Huế khoác khăn che mỏng bụi mờ
Huế thả chùm mây theo vạt áo
Nhón bàn chân nhỏ gót tiểu thơ

Mưa rót cô đơn lòng thiếu phụ
Mưa chìm phố cổ đợi ai qua
Mưa trải rộng thêm ngàn tâm sự
Mưa nhả vào tim nỗi nhớ nhà

Mưa Huế hình như chỉ bắt đầu
Mà dài se sắt mãi về sau
Trầm ngâm một bóng ai ngồi đợi
Chỉ thấy mưa rơi đỏ mắt sầu

Huế xa xôi mà Huế thật gần
Mưa qua khuấy động cõi tình nhân
Mưa siết tay cho tình thêm ấm
Mưa tạt vào lòng những bâng khuâng

Nì hỏi nhỏ, khi mô trời mưa tạnh
Huế buồn khẽ nói, biết khi mô
Có lẽ mưa tuông chưa dứt hạt
Mưa hoài nên Huế đọng thành thơ

Hỏi nhỏ, khi mô trời mưa tạnh
Huế buồn khẽ nói, biết khi mô
Có lẽ mưa tuông chưa dứt hạt
Mưa hoài nên Huế đọng thành thơ.

TRẦN KIÊU BẠC

Thứ Bảy, 19 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

NỖI THẤT VỌNG

         Trong mùa SEA Games 26 năm nay đã có nhiều VĐV Việt Nam  tiến bộ rất đáng tuyên dương, các bộ môn thi đấu đều có thành tích, chỉ tiêu 70 HCV đã hoàn thành và toàn đoàn đang nổ lực để vượt qua 80 HCV là rất khả thi.
         Cuối ngày hôm nay tổng số  huy chương vàng đã đạt con số 80 nhưng nỗi buồn lại lấn áp niềm vui khi trận đá bóng giữa Việt Nam với Indonesia kết thúc với hiệu số 0 – 2.
         Cả nước rơi vào im lặng trong nỗi thất vọng vô cùng đối với đội tuyển.Trong cuộc chơi SEA Games tất cả các bộ môn thi đấu đều đạt thành tich có HCV, riêng bóng đá Việt Nam chưa một lần đoạt cúp vô địch.
         Nỗi đau của bộ môn bóng đá cũng là nỗi đau của người hâm mộ.

NGÔN NGỮ THƠ KHÔNG PHẢI BẮT ĐẦU TỪ KÝ TỰ MÀ TỪ SỰ CẢM NHẬN - NGÃ VĂN

 Nếu cảm nhận cuộc sống qua lăng kính của con người đối với chính mình, chính với thiên nhiên, đối với đời sống cá nhân, với cộng đồng thì thơ là sự thoát thai, sự chắc lọc  xuyên suốt quá trình của con người ở trong mỗi giai đoạn sống. Trở nên bất tử bởi biểu hiện cho phút giây mà con người cảm nhận. Cảm xúc không có sự đo lường trần tục. Vượt qua tất cả rào cản. Xé nát ra từng sợi của đời sống mà hắn có. Hãy từ chối nỗi niềm định nghĩa để sống được, thở được trong suốt nỗi cô đơn định mệnh. Cô đơn, phải xuyên phá khối kim cương đen của chính bản thân. Bắt gặp và đồng cảm để được một khoảng khắc sống. Ngôn ngữ đẩy đưa con người từ vực thẳm này đến lũng vô tận khác và thoát ra bằng ngôn ngữ rất riêng của thi ca.
Con người đứng trước niềm hân hoan và nỗi tuyệt vọng, điều mà thi ca đã xoáy vào khoản trống trải vô cùng của vũ trụ. Chỉ có con người làm được, đã làm được, đang làm được và chắc là sẽ làm được. Có gì tưởng lạ, đơn giản  của đời người, xét cho cùng cho tận, ta đã đang và sẽ đứng đâu, điểm tựa nào để nhìn lại bản thân. Cảm thông bản thân, cảm thông thiên nhiên, cảm thông thượng đế để tồn tại bằng vào thế giới thi ca. Tất nhiên, thơ vẫn phải đối mặt với chuyện sống còn, tất yếu. Nhưng chưa bao giờ là sự thỏa hiệp,  đầu hàng. Hãy lắng nghe sự thẩm thấu cuộc sống từ một nỗi tuyệt vọng và vượt thoát “ bất tử nở hoa vườn địa đàng…1 Thấu thị và khẳng định cuộc sống, không có bắt đầu nhưng phải có nơi nhìn được mình.
Định nghĩa như thế nào “ Rồi những đứa trẻ được sinh ra/ phục sinh thế giới…2 làm sao ta dững dưng được, làm sao ta vô tình với cái tình đoạn đoài “ Đêm vỡ òa chạm những vì sao…3 hun hút bất tận. Đó không phải là sự chinh phục mà hòa vào, chìm ngập trong, trong quyến rũ nhau. Đó là sự tồn tại của thơ.
Nếu chúng ta tình cờ thấy được, là sự mãn khai đầu tiên của tình yêu, chắc là choáng ngợp, chắc là ca tụng và thơ bắt đầu từ đó. Tuông trào cho con người dòng thác lũ để được sống. Hư vô cũng sống, ta và tha nhân đang sống, vũ trụ đang sống.
Đã có một nhà thơ thản thốt “ Hãy yêu như giọt nước hân hoan…*” bởi thi nhân cảm nhận “ Hãy chết như sao rơi vào bất tận **“ không chạm với, mênh mang quá đổi hạnh phúc. Đó là thi ca.
Ta sẽ bắt gặp “ Chút mưa thơm lững lơ đâu đó ”
Cuộc hẹn ước bắt đầu.
NGÃ VĂN
·         * và ** thơ TTT.
·        1,2 và 3 thơ CTH.

Thứ Sáu, 18 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ


AI VỀ CẦU NGÓI THANH TOÀN…

           Chiều hôm nay đưa Cao Huy Khanh, Lê Ngọc Thuận, Thái Nguyên Hạnh, và Nhuận về thăm Cầu Ngói Thanh Toàn, một điểm du lịch của Huế. Cũng lạ những người con Huế mà cũng có vị chưa bao giờ biết đến chiếc cầu làm bằng gỗ. lợp bằng ngói bắt qua một con hói nhỏ.
           Người xây dựng chiếc cầu là một phụ nữ làng quê, mục đích là để cho những người dân trong làng có phương tiện qua lại cho khỏi lội nước, mà ý chính là để cho nông dân mùa hè có chỗ ngồi nghỉ chân sau buổi cày bừa nhọc nhằn.
           Nay chiếc cầu là nơi cho khách  du lịch tham quan.Và là niềm vui của dân làng.
           Từ một ý tưởng tương trợ tình làng nghĩa xóm, người phụ nữ Thủy Thanh đã được trân trọng trong lòng người dân Huế.

BÌNH YÊN - HƯƠNG GIANG


Rồi chia tay
Ngày mai
Trên con đường ấy
Em bình yên

Một nửa tôi,
Thẩn thờ, quay quắt nhớ
Cứ đốt cháy mình bằng hoài niệm cũ
Một nửa tôi,
Mãi kiếm tìm...

Trong dâu bể cuộc đời
Chợt nhận ra
Ngày đã qua
Năm đã qua
Còn mình ta trong chốn quạnh hiu

Nhủ lòng:
Mai xuống phố
Niềm vui cùng mọi người
Sẽ bình yên bên ta...
HƯƠNG GIANG.

Thứ Năm, 17 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

 TIỄN BIỆT & GẶP GỠ  
          

Đưa tiễn một người đi ở bất kỳ sân ga nào cũng để lại một dấu ấn khó phai, những lời nói như hụt đi vài ý, mắt nhìn vội vã quay đi hướng khác, chân bước mà nhịp gót dùng dằng, tay vẩy mà lòng không muốn người đi.

            Cuộc sống luôn là những dịch chuyển, biến động, kiến tạo những khắc chạm làm thông thoáng hơn nếp gắp cũ kỹ đọng từng lớp bụi bặm thời gian, đó là phần sâu thẳm của tâm hồn luôn hướng tới khuôn mặt dấu yêu, dịu dàng môi hồng trong nắng mới.

            Đợi chờ ngày hội ngộ khi em đã cho ta tiếng cười em đồng vọng từ chân tình, trải dài theo tiếng gió vút vào chân trời xa.  

        Trong lòng thật tâm trạng.

81 ...KHÔNG CÒN NỮA . . . - NGUYỄN MIÊN THẢO

NGẬM NGÙI…81

Ngày 17.11.2011, 81 bị xóa sổ hay nói cho đúng, điểm hẹn của giới văn nghệ sĩ Sài gòn không còn nữa. sau khoảng 36 năm tồn tại.
Tạm gọi là CLB hội Văn nghệ TP Hồ Chí Minh, thành lập sau ngày 30.4.1975, tại số 81 Trần Quốc Thảo, quận 3, giới văn nghệ sĩ có một nơi để uống cà phê, nhậu và bốc phét, cũng là điểm hẹn của anh em văn nghệ sĩ cả nước khi đến Sài Gòn.
Ba mươi sáu năm kẻ còn người mất, chỉ trong số bạn bè tôi đã có những người có mặt thường xuyên ở đây đã ra đi rong chơi cõi khác như Nguyễn Tôn Nhan, Nguyễn Mai, Hoàng Ngọc Tuấn , có bạn đi xa thỉnh thoảng trở về như Nguyễn Lương Vỵ, Đinh Trầm Ca. Bây giờ điểm hẹn không còn nữa.
Hôm 15,16 .11, anh em không ai rủ ai kéo đến 81 rất đông Bùi Chí Vinh, Trần Áng Sơn, Từ Hoài Tấn, Bảo Cường, họa sĩ Ngéo , Hoàng Linh, Mặc Tuyền, Lê thị Kim, Lê Hồng Thái...Trước đó một ngày, Cao Huy Khanh, Văn Viết Lộc đến nhậu suốt buổi chiều để từ giả 81 trước khi về Huế, vì khi trở lại Sài Gòn 81 không còn nữa.
Tôi hỏi cảm nhận của Lê Hồng Thái, người lập kỷ lục có mặt thường xuyên ở 81 suốt 36 năm , thậm chí bị một số anh em chup mũ là công an chìm theo dõi VNS. Anh trả lời : một chút ngậm ngùi

Thứ Tư, 16 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

HỘI NGỘ

                Một ngày đón hai người bạn, từ phía Nam ra, như là một ước mơ vươn tới và níu được nhánh cây của niềm mong ước. 12 giờ đồng hồ hân hoan của bạn bè. Đêm đi từ bờ nam qua bờ bắc trong ngọn gió gây lạnh, con đường mênh mông trống vắng của ngày đang hết, hơi bia dâng lên trên tay lái của bạn, vẽ lên một đường chạy không thẳng, may mà đi chậm và đường vắng xe.
                Qua cầu Đông Ba là yên tâm khi bạn dừng lại, dựng xe, lấy chìa khóa mở cổng vào nhà. Ngủ ngon nghe.
                Cũng thời gian đêm đang xuống lúc 20 giờ, đón em với một ngày của công việc trở về. Đường về nhà trở nên ngắn hơn. Hương của hoa ly thắm đượm giấc ngủ của nửa đêm còn ánh trăng tà.
                Ngày đang qua.   

TIA NẮNG - HẠC THÀNH HOA

1. người đàn bà đã có chồng con
mà trái tim còn hừng hực lửa
nàng có cái nhìn của trăng nụ cười của gió và tiếng hót chim khuyên
người đan bà như cụm mây đen
che khuất một khoảng trời xanh thao thức...

2. rồi một ngày chàng bỗng giật mình thảng thốt
có cơn gió lạ vừa thổi qua vùng yên tĩnh của tâm hồn
trái tim bất ngờ đổi nhịp
thảng thốt nhìn quanh
tất cả đều trẻ lại
tất cả đều đáng yêu
những đóa hồng đang hôn ngọn gió...
chàng mơ hồ nghe tiếng sấm vọng từ xa
báo trước một mùa giông bão...

trong chiếc lưới vô hình thật êm thật êm...
cô dơn và yếu đuối
chàng giãy giụa
không ai có thể giúp được chàng
không ai có thể giúp chàng đăm săn đến xứ mặt trời
đang lún dần lún dần xuống vùng sáp nhão

3. có tia nắng qua lỗ thủng mái nhà
vạch một lằn ranh
cắt đi những ý nghĩ điên cuồng tội lỗi
chàng gom hết sức tàn
đẩy người đàn bà ra khỏi tim mình
như bứng một trái núi
một mình đớn đau
một mình vật vã
và khi ngọn núi đã ra khỏi trái tim
một khoảng trống êm đềm và nhức nhối

H T H

Thứ Ba, 15 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

THÂN PHẬN

     Một cuộc điện thoại từ Saigon, sau khi nghe và trả lời, ngẫm ra là bất kỳ người phụ nữ nào, trong lứa tuổi nào, ở hoàn cảnh xã hội nào cũng có những lo âu tự trong lòng, dày vò, uất nghẹn để không cầm được phải nhờ anh em bạn bè gỡ rối tơ lòng thòng.
     Chợt nhớ hồi trước, trên những tờ báo có mục Gỡ Rối Tơ Lòng do bà Tùng Long phụ trách gỡ rối cho chị em ta, đôi khi cũng gỡ luôn cho mấy ông hay đi ăn phở mà lại sợ vợ đi ăn nem. Thật là cái vòng lẩn quẩn.
     Tất nhiên cá biệt cũng có những trường hợp rất nao lòng, đó là những người phụ nữ Huế cam chịu, bởi xã hội Huế khác với các nơi, đời sống luôn bị lề thói phong tục ràng buộc, bàng bạc những lễ nghi phong kiến thời trước dẩn dắt. Và họ tự nguyện sống chịu đựng như rứa.
     Cuộc sống đóng mở đều không giải phóng hẳn cho phụ nữ, họ luôn phải cam chịu thiệt thòi.

CÂU CHUYỆN THIỀN -10 Bức Tranh Chăn Trâu

10 bức Tranh Chăn Trâu
 
 Chúng tôi xin giới thiệu về "Mười bức tranh chăn trâu" hay "Thập mục ngưu đồ" để chúng ta cùng nhau tư duy, quán chiếu Giáo lý Phật Đà.
 Bộ tranh được phát hiện sớm nhất tương truyền là của thiền sư Quách Am (Kakuan hay Kuoan Shihyuan, 1100-1200, cũng thường được gọi là Khuếch Am Sư Viễn) người Trung Quốc, sinh vào thời nhà Tống thế kỷ XII. 
Thiền sư dựa vào các bản luận cũ của tiền nhân rồi họa 10 bức tranh chăn trâu, mượn hình ảnh tượng trưng của trâu trong Lão giáo, rồi viết bài tụng và lời bàn bằng văn xuôi. Bộ tranh của ngài thuần chất thiền, sâu sắc hơn các bộ tranh của các bậc tiền bối và từ đấy trở thành nguồn cảm hứng sâu xa cho các thế hệ sau này phỏng theo đó mà vẽ ra thêm nhiều bức họa khác nữa.
 Từ đó ngày càng có thêm nhiều bộ tranh mới khác hoặc màu, hoặc đen trắng, bắt đầu xuất hiện ở các chốn già lam, thiền viện .
Và những bộ tranh này cũng phản ảnh được nhiều khuynh hướng khác nhau trong sự tu tập, không thống nhất một cách khô khan, mà lại uyển chuyển sáng tạo, tùy duyên truyền pháp.
Như vậy là không phải chỉ có một bộ, mà có nhiều bộ “mục ngưu đồ” khác nhau, tất cả đều đượm nhuần tinh thần Phật giáo Bắc Tông.
Tuy có nhiều bộ tranh nhưng về hình thức thời bộ nào cũng như bộ nào, mỗi bộ đều có 10 bức, mỗi bức có một bài tụng bằng thơ tứ tuyệt và một bài chú giải bằng văn xuôi cho cả tranh và bài kệ.
Còn về tinh thần thì tranh tuy có nhiều, nhưng có thể xếp thành hai loại: Đại thừa và Thiền tông.
Loại tranh theo khuynh hướng Đại thừa vẽ lại quá trình tu chứng, từ việc tự thắng bản năng mình, đến tự tri và cuối cùng là đạt đến tự tại. Loại tranh theo khuynh hướng Thiền tông khắc họa tiến trình thực nghiệm tâm linh với ba giai đoạn: sai tâm bắt tâm, tâm vô tâm và tâm bình thường. 
Trong mỗi loại, tranh vẽ khác hết ,nhưng bài tụng và bài chú riêng cho mỗi loại vẫn không thay đổi. Hình ảnh người mục đồng tượng trưng cho giới thể, cho thiền định, cho chính trí, nói chung là cho chánh pháp của đức Phật. 
Con trâu tượng trưng cho cái tâm của chúng sinh, cái tâm ấy là cái tâm vọng tưởng, tâm phân biệt, chất chứa đầy phiền não, mê lầm và dục vọng. Chúng sinh lấy giáo pháp chân chính của đức Phật để chữa trị các sự mê lầm và dục vọng này thì cũng tương tự như người mục đồng trị con trâu hoang dã đầy tật chứng vậy!
    Dưới đây là 10 bức tranh chăn trâu, trâu chuyển dần từ đen (trâu đen tức là tâm còn buông thả) sang trắng (tâm được thuần phục dần).
10 bức tranh chăn trâu của Thiền sư Quách Am và của giáo sư thiền học Daisetz Teitaro Suzuki.
Tranh 1. Tìm trâu
Click chuột để phóng to ảnhThật ra con trâu chẳng bao giờ thất lạc. Nó vẫn sờ sờ ra đó, đâu phải kiếm tìm? Chẳng qua chỉ vì ta rời xa thực tướng cuả mình nên ta không hề thấy nó. Trong sự mê muội của sắc tướng mà ta mất dấu vết của nó.
Ở xa căn nhà, ta thấy nhiều ngỏ đan nhau, nhưng đâu là con đường chính. Lòng tham và sợ hãi, tốt và xấu ràng buộc lấy ta.
Tranh 2. Thấy dấu 
Click chuột để phóng to ảnhHiểu được lời dạy, ta thấy dấu chân của trâu. Rồi ta biết rằng, như nhiều dụng cụ được chế từ kim lọai, muôn vàn sắc tướng đều do ngã tạo ra.
Làm sao ta thấy được thực và ảo nếu ta không phân biệt? Khi chưa vào được cửa, hẳn nhiên ta phải tìm cho ra con đường
Tranh 3. Được trâu
Click chuột để phóng to ảnhNó sống trong rừng đã lâu, nhưng ta bắt được nó hôm nay! Sự đắm say cảnh sắc đã làm nó lạc đường. 
Vì ham muốn cỏ ngon hơn, nó lang thang phiêu bạc. 
Tâm của nó còn bướng bỉnh và không chịu thuần phục. Nếu muốn nó nghe lời, ta phải dùng roi. 
Tranh 4. Chăn trâu
Click chuột để phóng to ảnhTrâu bị kiềm chế bấy giờ có lẽ đã đau đớn vì bị dây vàm kéo lỗ mũi, lại sợ lãnh thêm những đòn roi, nên bắt đầu dần dà chịu phép, chịu khuất phục.
Trâu bị giơ roi dắt đi, nhưng đầu đã sạch trắng ra. Tuy là trâu hết chạy tới chạy lui hung hăng hùng hổ, nhưng trẻ chăn trâu vẫn phải nắm chặt sợi dây vàm xỏ mũi mà kéo nó đi, chưa dám buông thả, tay chưa dám bỏ cây roi.
Chú dắt trâu đi nhẹ nhàng, không còn phải dùng sức lực lôi kéo hay roi vọt đánh đập nữa.
Tranh 5. Thuần phục
Click chuột để phóng to ảnhĐến đây là đươc chút nhàn rỗi vì đã tu được nửa chặng đường rồi, ít còn phải dụng công nhiều nữa.
Người luyện tâm lúc này đã hoàn toàn điều phục được tâm ý mình và sống trong tỉnh thức.
Tâm ý đã thanh tịnh, người tu thật an lạc, thấy được sự mầu nhiệm của cuộc sống.
Thấy ra tu là hướng nội, là chuyển chính nội tâm mình trở nên thanh tịnh tốt đẹp, không phải là chuyển cảnh vật bên ngoài theo ý mình.
Tranh 6. Cỡi trâu về nhà
Click chuột để phóng to ảnhCởi trâu, ta thong thả quay về nhà. Tiếng tiêu của ta réo rắc chiều tà. Ngón tay láy nhịp, ta hòa điệu không ngừng.
 Ai nghe nhạc khúc du dương này xin tấu cùng ta. 
Cuộc tranh đấu đã qua; được hay thua đều không khác. 
Ta hát bài ca của tiều phu và thổi điệu đồng giao. Cởi trâu, ta ngắm mây trôi bồng bềnh. 
Ta đi tới dù ai có gọi giật lại.
Tranh 7. Quên trâu còn người
Click chuột để phóng to ảnhPháp bất nhị. Ta chỉ tạm mượn chuyện trâu. Nó cũng như sự tương quan giữa thỏ và bẫy, giữa cá và lưới, giữa vàng và cặn, hay trăng vừa ló khỏi mây. 
Một tia sáng xuyên suốt vô thỉ vô chung.
Ta điều phục tâm nhưng thật ra chẳng có chi để điều phục.
Bởi tánh giác là của ta, theo ta suốt dọc đường sinh tử.
Giờ ta có thể ung dung tự tại với tánh giác của ta, bỏ mặc roi thừng là thứ tạm bợ.
Tranh 8. Dứt cả hai
Click chuột để phóng to ảnhVòng tròn tượng trưng cho “Viên Giác”.Trâu và người chăn, tâm và cảnh dứt hết là hiển hiện ánh chân như lung linh trong màu cỏ nội hoa ngàn.
Nhiễu sự đã qua.Tâm không còn chướng ngại. Ta không mong cầu cõi giác ngộ.Ta cũng không trú vào nơi không giác ngộ. 
Vì ta không vướng mắc vào cả hai, mắt không hề nhìn thấy ta. Nếu hàng vạn chim cúng hoa trên đường ta đi, sự tán thán đó cũng chỉ là hư vô.
Tranh 9. Trở về nguồn cội
Click chuột để phóng to ảnhNgay từ ban đầu, chân lý đã sáng tõ. Qua thiền định, ta quán đến sắc tướng hợp tan.Cội nguồn là tâm thể chân thật, nó vốn sẵn như vậy, không cần phí công để tìm, không cần phí sức để trở lại.
Thấy nghe mà không phân biệt tốt xấu, hay dở, cũng giống như mù như điếc nên nói mù câm.
Trong am là chỉ cho tâm thể thênh thang trùm khắp không có một vật gì ngoài nó. Chừng đó mới thấy tự tại, thấy nước mênh mông, thấy hoa tự nở hồng nở tía mà không bận tâm không vướng mắc.
Đó là phản bổn hoàn nguyên, gọi là vào cảnh giới Phật
Tranh 10. Thỏng tay vào chợ
Click chuột để phóng to ảnhThiền Sư mặc áo bày ngực, chân không dày dép đi vào chợ để làm những việc rất tầm thường như người đời. Miệng cười hỉ hả, không cần gìn giữ giới hạnh mẫu mực của người tu, không thuyết giảng giáo lý cao sâu mầu nhiệm.
Chỉ làm con người rất bình thường để dạy cho những người bán cá, bán thịt ở ngoài chợ, ở quán rượu, là những con người không có chút đạo đức, khiến cho họ có chút đạo đức biết tu hành.
Đó là trọng trách giáo hóa của người tu đã đến chỗ viên mãn.Chỗ này là chỗ thiết yếu, hành giả cần phải hiểu cho rõ, người tu sau khi vào cảnh giới Phật tức là đã triệt ngộ, rồi mới vào cảnh giới ma để lăn xả vào đời, làm lợi ích cho đời.

(Thiền sư Quách Am và của giáo sư thiền học Daisetz Teitaro Suzuki.)

PHÁP MÔN CHĂN TRÂU


Pháp môn Chăn Trâu

Trong một bài hát quen thuộc với mọi người chúng ta, có câu: "Ai bảo chăn trâu là khổ? Chăn trâu sướng lắm chứ!". Ðó là lời mở đầu của một ca khúc nói về sinh hoạt của các mục đồng chăn trâu ở thôn quê. Trong Phật giáo, đặc biệt là thiền tông, chư vị Tổ Sư chỉ dạy một phương pháp tu hành gọi là "Pháp Môn Chăn Trâu".
 Pháp môn này áp dụng triệt để lời dạy của Ðức Phật, trong cuộc sống hằng ngày của người Phật Tử, tại gia hay xuất gia. Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử sẽ thấy được con đường vào đạo, tâm sẽ được nhập lưu, tức là nhập vào dòng thánh, khác với dòng đời, tuy thân vẫn sống ở đời, như bao nhiêu người khác, mà tâm không hề khổ đau lụy phiền.
 Khi hiểu được và hành được pháp môn này, trí tuệ sáng ra, cuộc đời thay đổi kể từ ngày này, người Phật Tử đối với Chánh Pháp, sẽ không còn thoái chuyển, phát tâm tu dưỡng, phát nguyện chăn trâu, việc ác ngưng làm, quyết làm việc thiện, không còn mặc cảm, tự tôn tự ti, chân trời an lạc và hạnh phúc bắt đầu ló dạng.

_Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử không còn đi vòng vòng bên ngoài, vừa vui chơi thích thú, cười nói hả hê, cũng vừa kêu khổ, kêu khổ chưa xong, cầu nguyện van xin, khấn vái khẩn cầu, vừa mê tín dị đoan, vừa tiền mất tật mang, chẳng lợi ích gì, hết cầu an cầu siêu, đến cầu đoàn tụ, cầu buôn may bán đắt, cầu trúng số độc đắc, thực sự có được gì đâu?
_Khi hiểu được và hành được pháp môn này, người Phật Tử tại gia không còn thấy chuyện tu tâm dưỡng tánh là chuyện của những người xuất gia vào ở trong chùa, mà tu tâm dưỡng tánh chính là chuyện của mọi người, chuyện của chính mình, chuyện của bất cứ ai muốn giảm bớt khổ đau, muốn xuất phiền não gia, muốn ra khỏi căn nhà lửa, muốn được an lạc và hạnh phúc ngay hiện tại, trên thế gian này, trong mọi hoàn cảnh, trong cuộc sống hằng ngày.

Con người luôn sống trong mộng tưởng, cho nên luôn luôn mơ ước cảnh giới thiên đàng cực lạc, mà không biết mình đang sống trong hiện tại, không biết mình đang sống một cuộc đời hết sức vô nghĩa, chẳng làm gì ích lợi cho ai, chỉ biết ăn ngủ hưởng thụ, đấu tranh giành giựt, hơn thua phải quấy, rồi chờ ngày chết!Bởi vì sống trong điên đảo, cho nên con người nhận lầm cái giả tưởng là thực, cái khổ lại cho là vui.Chẳng hạn như nhiều người cứ tưởng cái xác thân này là "mình" và sẽ mang cái xác đó lên thiên đàng hưởng phước, hoặc đem cái xác đó lên cực lạc cho sướng tấm thân!
 
Ðâu chẳng biết rằng, sau khi hết thở, chính cái xác này, gọi là thây ma, ai dám đến gần?
Cát bụi sẽ trở về cát bụi! Chỉ có nghiệp báo thiện ác theo "mình", như hình với bóng, không bao giờ rời, qua bao nhiêu kiếp sau nữa.Còn "mình" thực ra là ai, thì lại chẳng biết! "Con Người Chân Thật" đã bị vô minh che lấp tự lâu lắm rồi, mà chúng ta vẫn không chịu tỉnh thức để nhận ra!
Con người thức tỉnh biết "dừng nghiệp và chuyển nghiệp" thì trí tuệ bừng sáng
Ðiều quan trọng hơn hết trong việc tu tâm dưỡng tánh, chính là chúng ta phải biết cách chăn trâu.
Nghĩa là: chúng ta phải biết cách dừng các vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm. Ðó chính là công phu tu tập theo đạo Phật, để cải thiện cuộc đời mình, để chuyển hóa những ưu tư phiền muộn, trở thành vô tư tự tại. Chẳng hạn như khi, tâm tham nổi lên, lợi mình hại người, muốn được bạc triệu, xài chơi cho sướng, nghĩ cách hại người, bất chấp thủ đoạn, chúng ta liền biết, lập tức dừng ngay, không nên tiếp tục, theo đuổi vọng tâm, vọng tưởng vọng thức, vọng niệm đó vậy, tức là chúng ta, đã dừng được nghiệp, và chuyển được nghiệp.
Khi đó, con người sẽ tự tại bước ra khỏi màn vô minh, thoát ra khỏi sanh tử luân hồi, không còn phiền não và khổ đau, sống trong an lạc và hạnh phúc. Ví như khi nào mây đen tan hết, bầu trời lại trong sáng, mọi cảnh vật hiện rõ ràng trước mắt, nhìn thấy muôn sự mọi việc "đúng như thực", không còn mơ hồ, không còn điên đảo, mình sẽ nhận biết rõ ràng "mình là ai", không còn nghi ngờ gì nữa cả.
Nhưng làm sao để thức tỉnh, làm sao để trí tuệ bừng sáng?

 Lúc nào mình làm chủ được con trâu của mình, tức là làm chủ được thân và tâm mình.
"Thấy cũng như không thấy, nghe cũng như không nghe, nói cũng như không nói." Khi tiếp xúc với cảnh trần, nhưng không ý kiến, không lập tri, không khởi tâm phân biệt, tức là không dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, cũng như lúc không tiếp xúc với trần duyên vậy.
 Trong Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Ðức Phật có dạy:

"Tri kiến lập tri tức vô minh bổn.
Tri kiến vô kiến tư tức Niết bàn".

Nghĩa là khi sống ở đời, chúng ta hiểu biết tất cả mọi việc, nếu dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm thì gặp phiền não khổ đau, đó là gốc của vô minh. Nhưng nếu không dấy khởi vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm, thì chúng ta sống được trong cảnh giới niết bàn.
Pháp môn chăn trâu trình bày phương pháp tu tâm dưỡng tánh qua mười giai đoạn
 
Giai đoạn này là lúc hành giả đã biết dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Mắt trông thấy sắc rồi thôi, không còn lưu giữ bất cứ hình sắc nào trong kho tàng tâm thức, dù đẹp dù xấu, dù dễ thương dù thấy ghét.
Tai nghe thấy tiếng, nghe rồi thì không, không giận không hờn, không yêu không hận.
Trong lòng, trong tâm thức, không khởi lên bất cứ một niệm nào, khởi lên là liền biết, không theo, niệm đó sẽ lặng đi.
Không theo có nghĩa là: không để cho con trâu dẫn dắt mình đi tạo nghiệp!
Chư Tổ có dạy:
"Nội cần khắc niệm chi công.
Ngoại hoằng bất tranh chi đức".

Nghĩa là: Bên trong khắc chế được tâm niệm lăng xăng lộn xộn, tức là luôn luôn chăn trâu, được gọi là công phu tu tập. Bên ngoài hành trì đức độ của người không tranh cãi. Ðó là những việc phải làm của người chân tu thực học.
  Chăn trâu nghĩa là: Không theo sức mạnh, sức kéo sức lôi, của tánh tham lam, sân hận si mê.
Chăn trâu nghĩa là: Phải biết kềm giữ, xỏ mũi kéo lại, đừng để con trâu, dẫn mình đi đâu, tạo tội tạo nghiệp.
 Nghĩa là: con người vì lăn lộn trong cuộc đời, bị vọng tâm, vọng tưởng, vọng thức, vọng niệm lôi cuốn, che lấp bản tâm thanh tịnh, quanh năm suốt tháng cả ngày, quên mất con người chân thật của chính mình .Trong kinh sách gọi là "nghiệp thức che đậy", lúc làm người tốt, khi làm kẻ xấu, sanh tử tử sanh mãi mãi, không biết đến bao giờ mới chịu dừng nghiệp và chuyển nghiệp.
Ðến đây, hành giả nhận ra rằng, hạnh phúc của mọi người trên thế gian cũng là hạnh phúc của mình.
Tâm địa bồ tát, tấm lòng vị tha, vì người quên mình, của hành giả tăng trưởng. Hành giả mang đạo vào đời, làm sáng đẹp cho đời, mà không bị đời làm ô nhiểm.
Hành giả thanh thản, thảnh thơi, thơi thới, nhẹ nhàng bước ra khỏi cảnh trầm luân, sanh tử luân hồi. Ðến đây, hành giả nhận ra rằng:
Hạnh phúc của mọi người trên thế gian cũng là hạnh phúc của mình.

"Mắt trông thấy sắc rồi thôi
Tai nghe thấy tiếng nghe rồi thì không
Trơ trơ lẵng lặng cõi lòng
Nhẹ nhàng ta bước khỏi vòng trầm luân".
"Ðó chính là mục đích, cũng là kết quả của "Pháp Môn Chăn Trâu".

Cư-sĩ Chính-Trực
(Toronto - Canada)

Thứ Hai, 14 tháng 11, 2011

NHẬT KÝ NGẮN CỦA THÀNH PHỐ

 
HƠI THỞ CỦA TÌNH ÁI

                   Âm nhạc đã đưa tâm hồn người vào thế giới ngập tràn sương mộng. Ta mông muội tình ta, ta đớn đau tận cùng trong tâm hồn mong manh, em chạm vào là ta hồn phách mênh mông tan vào cơn mưa dầm bất tuyệt bên dòng sông ngát màu phỉ thủy.
                   Ta đang mãi tìm nhau trong mơ hồ nguyệt tận. Em ở đâu. Lòng ta u hoài chìm vào những lời tình ái, ru đời một thoảng mây gió thu tàn, đông buốt con tim.
                   Lời của gió hay là của em, anh hiểu răng đây em.

GỬI NGƯỜI EM AN CỰU - TRẦN DZẠ LỮ


                                                                                              Tặng C.T.Hà

                               Xưa anh cũng yêu một người An Cựu
                               Người ấy giống em như tạc bây giờ
                               Mắt Huế buồn cháy hết cả cơn mơ
                               Anh lúynh quýnh đứng bên bờ khổ nạn…
           
                               Những mùa tình của anh đều hạn hán
                               Đợi mưa em mà chẳng thấy nghiêng về
                               Qua Trường Tiền anh ngả nón si mê
                               Mắt dáo dác tìm mùa xuân không tới!
           
                               Và anh biết mình đâu còn cơ hội
                               Để gần em dù một sát- na buồn
                               Đêm Nội thành ngàn sao là dấu hỏi
                               Bao giờ người chung nón, kẻ chung khăn ?
           
                               Rồi xa em là xa gạo de An Cựu
                               Những mùa thơm đã mất hết trong đời
                               Thôi cũng đành làm một kẻ mồ côi
                               Đi cho hết kiếp người như định số!

                               Ở ngòai nớ làm răng em thấu tỏ
                               Trái tim này chôn chặt những tình đau?
                               Yêu như kẻ đi tìm trầm chín núi
                               Chín núi sầu anh rớt xuống chiêm bao…

                               Trần Dzạ Lữ
                             ( tháng 2 năm 2010 )